Ôn hòa & sức mạnh

Thủ tướng Angela Merkel.
Thủ tướng Angela Merkel.
TP - Đức lại vừa được bình chọn là quốc gia có ảnh hưởng tích cực nhất thế giới, lần thứ sáu kể từ năm 2008 đến nay. Nhưng chiếc ghế này có vẻ đang lung lay, khi những yếu tố giúp Đức giành được cảm tình của thế giới đang dần mất đi sức mạnh.

Liệu việc từ bỏ chính sách cường quốc quân sự và chuyển sang giải quyết các vấn đề quốc tế bằng đàm phán và ôn hòa có duy trì được sức mạnh của nước Đức? 

Tầm ảnh hưởng mà Đức đang có, không xuất phát từ tiềm lực quân sự, sức mạnh kinh tế vượt trội hay tham vọng của một cường quốc, mà chính nhờ sự chắc chắn mà Đức mang lại giữa một thế giới đang liên tục biến động và nhiều sóng gió. Khi cả châu Âu lao đao vì cuộc khủng hoảng nợ công, nước Đức vẫn đứng vững, đóng vai trò đầu tàu kéo cả con tàu EU thoát khỏi tâm bão. 

Chính trường không nhiều sóng gió nhưng được lòng dân. Bằng chứng là việc Thủ tướng Angela Merkel có thêm một nhiệm kỳ thứ ba mà vẫn được bầu chọn là chính trị gia được yêu thích nhất tại quốc gia này.

Trên trường quốc tế, Đức có tiếng nói ngang hàng với các cường quốc là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cách tiếp cận ôn hòa, đề cao thỏa hiệp của Đức trong các cuộc xung đột, tranh chấp trên thế giới giúp Berlin giành được cảm tình của dư luận thế giới.

Tuy nhiên, chính sách thắt lưng buộc bụng mà chính quyền Berlin khởi xướng và triệt để theo đuổi không còn phù hợp khi Lục địa già đang dần phục hồi. Các biện pháp khắc khổ từng giúp nước Đức đứng vững trong khủng hoảng giờ biến thành rào cản đối với tăng trưởng của nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu này. 

Cảm giác mệt mỏi của người dân Đức sau bao năm chấp nhận sống hà khắc có nguy cơ làm nảy sinh những bất ổn xã hội. Đường lối cứng rắn của Berlin trong xử lý vấn đề nợ công đã đẩy các thành viên yếu kém nhất của khu vực đồng tiền chung châu Âu vào chân tường. 

Nếu bà Merkel vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách khắc khổ hiện nay, không khó hình dung ra kịch bản chính phủ Đức dần đánh mất sự ủng hộ của người dân và tiếng nói quyết định trong EU.

Từ sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Đức không chủ trương biến mình thành một cường quốc quân sự. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, cách tiếp cận của Berlin có phần trở nên yếu thế khi các cường quốc khác như Mỹ, Nga, Anh, Pháp có xu hướng quay lại học thuyết gây sức ép giải quyết các vấn đề bằng tiềm lực quân sự. 

Trong một cục diện như vậy, nếu Đức không tìm được giải pháp tạo bước ngoặt cho các cuộc khủng hoảng dai dẳng ở Syria, Ai Cập hay Ukraine, những lời kêu gọi đối thoại của Đức đang mất dần sức nặng.

MỚI - NÓNG