Ông Obama có cơ may thắng cử

Ông Obama có cơ may thắng cử
TP - Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới công bố ở Mỹ cho thấy đúng một nửa số cử tri Mỹ (50%) sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 6-11 tới, trong khi ông Mitt Romney, ứng viên đảng Cộng hòa là 47%.

> Ông Obama 'nhờ' vợ chồng Beyonce gây quỹ tranh cử

Như vậy sau vài tuần ở thế cân bằng với đối thủ, ông Obama đã lại bứt lên được. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói đến thắng lợi chung cuộc của ông Obama. Trước hết là bởi vì theo luật bầu cử ở Mỹ, cử tri không bầu trực tiếp Tổng thống mà bầu các đại cử tri rồi các đại cử tri mới bầu Tổng thống.

Do đó người đắc cử có thể không phải ứng viên thu được nhiều phiếu cử tri nhất. Bằng chứng điển hình là cuộc bầu cử năm 2000, khi ứng viên đảng Cộng hoà George Bush đắc cử Tổng thống nhờ thu được đa số phiếu đại cử tri mặc dù thua ứng viên đảng Dân chủ Albert Gore về số phiếu cử tri bình thường.

Thắng lợi của ông Obama chưa được bảo đảm còn bởi vì có sự thay đổi trong luật bầu cử.

Trước đây, khi đi bầu không cần xuất trình giấy tờ mà chỉ cần xưng tên và địa chỉ. Nếu tên và địa chỉ trùng với tên và địa chỉ trong danh sách cử tri thì phiếu bầu được thừa nhận là hợp lệ.

Nhưng dưới áp lực của đảng Cộng hoà, những điểm dễ dãi đó bị loại bỏ và giờ đây khi đi bầu phải xuất trình giấy tờ chính thức có dán ảnh, giấy chứng minh và một vài giấy tờ khác.

Kết quả là vài triệu người Mỹ nghèo khổ vì không có đủ giấy tờ thích hợp nên sẽ không thể đi bầu mà đó lại là số người thường xuyên bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ.

Ngoài ra, còn một vài yếu tố nữa ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử, chẳng hạn, tình hình tại những bang “dao động” (tức là những bang mà cử tri trong cuộc bầu cử này thì ủng hộ ứng viên Dân chủ còn trong cuộc bầu cử khác lại ủng hộ ứng viên Cộng hoà) và kết quả những cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa 2 ứng viên. Về những mặt này, ông Obama đang tỏ ra có lợi thế.

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy trong số những bang “dao động”, 2 bang lớn nhất là Ohio và California đã nghiêng về phía ứng viên Dân chủ Obama.

Tại bang Ohio, 52% cử tri có thiện cảm với ông Obama trong khi tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Romney chỉ chiếm 44%. Bức tranh tương tự cũng có thể thấy ở bang California.

Như vậy, theo nhận định của các nhà phân tích, sau các đại hội của 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà, một số lượng đáng kể cử tri đã chạy sang phía ông Obama.

Tháng 10 tới đây, người dân Mỹ sẽ được chứng kiến 3 cuộc tranh luận trực tiếp giữa 2 ông Obama và Romney trên truyền hình vào những ngày 3, 16 và 22.

Những cuộc tranh luận này cực kỳ quan trọng với cả hai bởi vì có thể có tác động quyết định đến tâm lý cử tri. Cả hai chắc chắn đang chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận những câu hỏi hiểm hóc nhất và những lời công kích độc địa nhất từ phía đối thủ bởi vì họ hiểu rõ mọi sơ xuất dù nhỏ nhất đều có thể khiến họ phải trả giá đắt.

Thật vậy, giọt mồ hôi xuất hiện không đúng lúc trên mặt ứng viên đảng Cộng hoà Richard Nixon và bị caméra ghi lại rồi truyền đi đã khiến ông ta thua cuộc trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1960.

Đến năm 1976, một ứng viên khác của đảng Cộng hoà là Gerald Ford cũng chỉ vì một câu nói lỡ lời trong cuộc tranh luận trực tiếp với đối thủ về mối quan hệ giữa Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu mà bị mất cơ hội trúng cử.

Giờ đây sắp đến những cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ông Obama và Romney. Theo nhận định của các nhà phân tích, đây không phải mặt mạnh của ứng viên Romney, người mới ít ngày trước đã gọi những cử tri ủng hộ ông Obama là những kẻ ăn bám và lười nhác.

Ngược lại, ông Obama nổi tiếng có tài hùng biện. Tuy nhiên, không thể hoàn toàn loại trừ khả năng ông Obama vẫn có thể phạm một sơ xuất có tính chất “định mệnh” nào đó.

Theo nhận định của các nhà phân tích, sau các đại hội của 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà, một số lượng đáng kể cử tri đã chạy sang phía ông Obama.

Ngọc Thoa
Theo Izvestia.ru và Kp.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.