Ông Obama sẽ làm gì ở Trung Quốc và Lào?

Ông Obama sẽ nêu vấn đề biển Đông trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ảnh: Telegraph
Ông Obama sẽ nêu vấn đề biển Đông trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ảnh: Telegraph
TPO - Đầu tháng 9 này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Trung Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và Hội nghị thượng đỉnh Asean tại Lào.

Theo nội dung buổi thông báo được Nhà Trắng vừa phát đi hôm nay, ông Ben Rhodes Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết, trọng tâm của chuyến thăm lần thứ 10 sang châu Á của ông Obama lần này sẽ là vấn TPP, chính sách đối ngoại tái cân bằng sang châu Á của Mỹ, các vấn đề trên biển và biển Đông...

Ông Obama sẽ đến Trung Quốc vào ngày 2/9 và có cuộc gặp song phương với ông Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp cuối cùng trên cương vị Tổng thống,  ông Obama sẽ cùng lãnh đạo Trung Quốc điểm lại tất cả những vấn đề trung tâm trong quan hệ Mỹ - Trung trong gần 8 năm ông Obama lãnh đạo nước Mỹ. 

Hai bên sẽ bàn những mặt tích cực như thỏa thuận đạt được về ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua thỏa thuận Iran, đối phó với biến đổi khí hậu và chia sẻ quan ngại về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Về những khác biệt, hai bên sẽ thảo luận vấn đề an ninh mạng, cách thức làm ăn kinh tế và phía Mỹ cũng sẽ nêu quan ngại về vấn đề trên biển Đông.

Sau khi dự hội nghị G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, ông Obama sẽ bay sang Lào hôm 5/9, sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Lào. 

Ông Rhodes cho rằng đó sẽ là sự kiện lịch sử thực sự cho quan hệ Mỹ - Lào và đối với đất nước, nhân dân Lào. Ông Rhodes nói rằng Mỹ có lịch sử khó khăn với Lào, nhưng trong bối cảnh Mỹ đang ngày càng chú trọng vào châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ tham dự các cuộc họp thượng đỉnh Đông Á và Asean hay việc ông Obama đến với những quốc gia từng có lịch sử phức tạp với Mỹ, đây là cơ hội thực sự để thúc đẩy quan hệ Mỹ - Lào, để bắt đầu xây dựng quan hệ đối tác thực sự.

Hôm 6/9, ông Obama sẽ có chương trình làm việc song phương với Chủ tịch nước Lào, tiếp xúc với Thủ tướng Lào.

“Tôi nghĩ chương trình làm việc tại Lào sẽ xác định những lĩnh vực chúng tôi có thể hợp tác và hai nước có quan hệ ngày càng phát triển trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và nhân lực, thương mại và đầu tư. Chúng tôi cũng có những nỗ lực đáng kể trong việc giải quyết vấn đề hậu quả chiến tranh ở Lào”, ông Rhodes nói. Mỹ sẽ cung cấp thêm nguồn lực để giúp Lào rà phá bom mìn chưa nổ.

Sau chương trình song phương, ông Obama sẽ có bài phát biểu về điểm lại chính sách châu Á của ông trong suốt hơn 7 năm qua. Ông Rhodes cho biết Tổng thống Mỹ có thể sẽ nói về việc Mỹ đã đi xa đến đâu trong việc định hình một cấu trúc ở châu Á – Thái Bình Dương để Mỹ thực hiện vai trò dẫn dắt và có mặt trong các diễn đàn khu vực như Asean và Đông Á. 

Ông Obama cũng sẽ nói về việc Mỹ đã nâng cấp đáng kể nền ngoại giao kinh tế và thương mại của Mỹ ở khu vực, sự hiện diện an ninh của Mỹ thông qua những mối quan hệ đối tác mà Mỹ xây dựng, không chỉ với các đồng minh mà các những đối tác mới nổi lên trong những vấn đề như an ninh hàng hải và ứng phó với thảm họa. 

Ông Obama cũng sẽ tập trung vào vấn đề TPP và lý giải vì sao hiệp định này lại có vai trò quan trọng để bảo đảm các lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ để Quốc hội Mỹ tiến tới việc thông qua.

Tổng thống Mỹ còn nói về sự kết nối ở khu vực về kinh tế, hợp tác và cả những khác biệt gần đây, bao gồm vấn đề biển Đông và cách tiếp cận của Mỹ đối với các vấn đề hàng hải.

Ông Obama sẽ làm gì ở Trung Quốc và Lào? ảnh 1 Ông Obama sắp có chuyến thăm thứ 10 đến châu Á – Thái Bình Dương trong hai nhiệm kỳ tổng thống

Lý do kinh tế và chiến lược


Cũng trong chuyến đi này, ông Obama sẽ gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. “Philippines rõ ràng là đồng minh theo hiệp ước của Mỹ, là một bên trong vụ kiện biển Đông gần đây. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ muốn đánh giá lại tình hình liên quan đến hiệp ước giữa hai nước và tình hình trên biển Đông trong cuộc nói chuyện với tổng thống mới của Philippines”, ông Rhodes nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương sẽ được tiếp tục sau khi ông Obama hết nhiệm kỳ, ông Rhodes nói rằng ngoài những sáng kiến an ninh hàng hải trên biển Đông, Tổng thống Obama đã phối hợp với các cộng sự để bảo đảm rằng chúng ta có kế hoạch cho cuộc chơi, bao gồm cam kết bảo đảm các nguyên tắc tự do hàng hải.

“Và những chiến dịch tự do hàng hải mà mọi người thấy, chúng tôi nghĩ đó là những hoạt động mà chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện, trong bối cảnh biển Đông là khu vực mà hàng tỷ USD hàng hóa đi qua”, ông Rhodes nói.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có những nỗ lực ngoại giao nhằm ủng hộ luật pháp quốc tế, ủng hộ những bước đi như phán quyết của tòa trọng tài, ủng hộ đàm phán về bộ quy tắc ứng xử giữa Asean và Trung Quốc. “Chúng tôi muốn những nỗ lực đó được tiếp tục, vì thế giới quan tâm rất lớn việc làm sao tránh xung đột trên biển Đông và có một giải pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế cho những tranh chấp. Vì thế chúng tôi nghĩ điều đó sẽ được tiếp tục”, phó cố vấn của ông Obama nói.

“Nếu nhìn vào một số chuyến thăm của Tổng thống Mỹ trong năm nay, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực này, trên rất nhiều lĩnh vực và có những lý do kinh tế và chiến lược to lớn để quan hệ đó tiếp tục phát triển. Lào là đối tác đang lên của Mỹ”, ông Rhodes nói.

Bên cạnh những đồng minh cốt lõi, Mỹ đang phát triển quan hệ gần gũi với các nước Việt Nam, Lào và Myanmar. “Tôi nghĩ sẽ có những động lực to lớn để chính quyền tiếp theo tiếp tục thực hiện điều đó”, ông Rhodes nói.


MỚI - NÓNG