Bình luận quốc tế:

Ông Putin và nước cờ khôn khéo

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin
TP - Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân (NSS) 2016 mất đi nhiều tính thời sự sau khi lãnh đạo cấp cao nhất của Nga thông báo không tham dự. 

Lý do được Mátxcơva đưa ra là “sự kiện trên không nằm trong lịch của Tổng thống Vladimir Putin”. Nga trước nay được xem là cường quốc hạt nhân có trách nhiệm, là quốc gia có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề hạt nhân thế giới, và là thành phần không thể thiếu trong ba lần tổ chức NSS trước đây. Chắc hẳn Điện Kremlin hiểu rằng, không tham dự NSS lần thứ tư không có nghĩa “Mátxcơva tự cô lập và tự đánh mất cơ hội” như tuyên bố của Washington.

Trước ngày khai mạc NSS, Andrei Belitsky, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm An toàn và Bức xạ có trụ sở tại Mátxcơva, nói: “Vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nguy cơ khủng bố sở hữu vật liệu phóng xạ… sẽ làm nóng chương trình nghị sự. Mátxcơva biết rất rõ mọi người sẽ làm gì ở Washington”. Diễn biến của NSS tại Washington cho thấy nhận định trên là chính xác, khi mà vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã phủ bóng hội nghị, dù rằng NSS thực tế chỉ có chức năng bàn về giải quyết an ninh hạt nhân, có nghĩa là bảo vệ vật liệu hạt nhân để chúng không bị đánh cắp.

Đối với Triều Tiên, Mátxcơva luôn thể hiện thái độ trung lập, và điều này xuất phát từ lợi ích của Nga tại Đông Bắc Á, nơi mà họ chủ trương xây dựng quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Bằng chứng rõ nhất là trước nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mới nhất của Liên Hợp Quốc, phản ứng của Nga chỉ dừng lại ở “yêu cầu nghiên cứu thêm”. Từ chối dự NSS, Mátxcơva cho thấy họ vừa muốn duy trì mối quan hệ đó, vừa tránh gia tăng căng thẳng với Washington tại hội nghị.

Về nguy cơ khủng bố sở hữu vật liệu phóng xạ, giới chức an ninh hạt nhân đánh giá, khủng bố hiện nay dễ dàng ăn cắp các vật liệu phóng xạ, cho phép biến một vụ nổ thông thường thành thảm họa khiến cả khu vực nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, theo Mátxcơva, “đây là vấn đề mà lẽ ra các nước phải đề cao cảnh giác, bàn luận, thì họ lại thờ ơ, lơ là”. Nga cho thấy họ có lý khi không tới Washington tham dự NSS.

NSS tổ chức 2 năm một lần theo sáng kiến của Tổng thống Barack Obama vào năm 2009, nhằm đưa cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó nguy cơ khủng bố hạt nhân. NSS năm 2016 là hội nghị cuối cùng trước khi ông Obama rời Nhà Trắng.

MỚI - NÓNG