Ông Tập Cận Bình: Cương quyết bảo vệ nguyên tắc 'một Trung Quốc'

TP - Trong bài phát biểu trước Quốc hội hôm 20/3, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh cáo bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia tách Trung Quốc.

Vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua đạo luật mới để cho phép các quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến Đài Loan, ông Tập cảnh cáo rằng Bắc Kinh sẽ bảo vệ “nguyên tắc một Trung Quốc” của mình, trong đó coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và đang chờ ngày thống nhất. “Mọi hành động và âm mưu nhằm chia rẽ đất nước sẽ buộc phải thất bại, sẽ bị nhân dân lên án và bị lịch sử trừng trị”, Xinhua dẫn lời ông Tập nói.

Ông Tập Cận Bình: Cương quyết bảo vệ nguyên tắc 'một Trung Quốc' ảnh 1 Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc ngày 17/3 thề trung thành với hiến pháp. Ảnh: Xinhua.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn nỗ lực trấn an lo ngại về các dự án phát triển của Trung Quốc ở nước ngoài, rằng những dự án này “sẽ không gây đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào”. Ông nói: “Chỉ những người quen đe dọa người khác mới thấy ai cũng là mối đe dọa”.

Cũng trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Tập vạch ra tầm nhìn về sự “hồi sinh của Trung Quốc” - “giấc mơ lớn nhất” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Người dân Trung Quốc bất khuất và bền bỉ, chúng ta có tinh thần chiến đấu trong những trận chiến đẫm máu để khiến kẻ thù gặp kết cục cay đắng”, ông nói.

Bài phát biểu của ông cũng nhắc nhở rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc, hơn lúc nào hết, phải xử lý các vấn đề của đất nước. “Lịch sử đã chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu Trung Quốc”, ông Tập nói. “Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng vai trò lãnh lãnh đạo chính trị tối cao của đất nước và sẽ là sự bảo đảm cơ bản để đạt được sự hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Quốc”.

Quyền lực không giới hạn

Kỳ họp kéo dài 2 tuần của Quốc hội Trung Quốc đã mở đường cho nhà lãnh đạo 64 tuổi tiếp tục nhiệm kỳ 2 và chấp thuận đề xuất của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước và phó chủ tịch nước, mở ra khả năng ông Tập nắm quyền không xác định thời hạn sau khi nhiệm kỳ 2 của ông kết thúc năm 2023.

Triết lý chính trị mang tên ông được đưa vào Điều lệ Đảng từ năm ngoái và vừa được bổ sung vào Hiến pháp Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên các quan chức cấp cao chính phủ phải tuyên thệ trước văn kiện này.

Một số cấp phó chủ chốt của ông Tập đã được thăng chức lên các vị trí cao hơn. Người từng đứng đầu cơ quan chống tham nhũng, ông Vương Kỳ Sơn, được bầu giữ chức phó chủ tịch nước, còn cựu cố vấn kinh tế cấp cao, ông Lưu Hạc, trở thành phó thủ tướng. Ông Vương có thể tận dụng kinh nghiệm đàm phán thương mại của mình để xử lý quan hệ gập ghềnh của Trung Quốc với chính quyền Trump, còn ông Lưu được kỳ vọng sẽ tác động nhiều lên quá trình hoạch định chính sách kinh tế.

Quốc hội Trung Quốc cũng chấp thuận những thay đổi lớn nhất trong chính phủ trong những năm gần đây khi gộp cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm thành một để giải quyết các rủi ro tài chính, đồng thời sửa Hiến pháp để mở rộng vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các vấn đề của đất nước. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, với kết quả là 1,5 triệu quan chức bị trừng phạt trong 5 năm qua, được mở rộng khi Quốc hội bỏ phiếu ngày 20/3 để lập ra một cơ quan quốc gia có nhiệm vụ kiểm tra và giám sát hàng triệu công chức.

Trong khi đó, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục tuyên truyền để nuôi dưỡng tinh thần sùng bái cá nhân và gạt bỏ các quan điểm trái ngược trong suốt kỳ họp kéo dài 2 tuần. People’s Daily (Nhân dân nhật báo), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi ông Tập là “người chèo lái” trong bài viết đăng cuối tuần qua. Cụm từ “người chèo lái vĩ đại” thường được dùng cho nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.

MỚI - NÓNG