Ông Tây “trăm phần trăm”

Ông Tây “trăm phần trăm”
TP - Người dân đất võ Bình Định vẫn quen gọi Martin Welsh là anh “trăm phần trăm”. Ít ai biết anh là một Phó Đại sứ tại Việt Nam.
Ông Tây “trăm phần trăm” ảnh 1

Anh Martin (phải) và Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Thanh Bình

Mà người dân ở vùng đất cằn cỗi, nắng gió này dường như cũng không quan tâm đến điều đó. Họ chỉ biết, anh hình như là quan chức ngoại giao cấp cao gì đó với cái chức danh mà ít người hiểu là Đại biện lâm thời của toà Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam.

Anh đến từ xứ sở Tân Tây Lan xa xôi lắm. Những việc anh làm nghe cũng to tát quá: Triển khai các dự án y tế, giáo dục, phát triển nông thôn… tại Bình Định và các tỉnh miền Trung trong chương trình tăng viện trợ ODA của Chính phủ Tân Tây Lan lên gấp 3 lần sau chuyến thăm nước này của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 5/2005. 

Thấm thoắt cũng đã 3 năm từ khi ngài Phó Đại sứ gắn bó với mảnh đất này và rồi người dân cũng biết Tân Tây Lan là New Zealand, đất nước nhỏ bé, dân số nhiều hơn Bình Định có 3 lần.

Vậy mà họ đưa hàng triệu đô la sang đây để giúp đỡ người dân. Lại có cả một “ông quan” đến tận nơi để đốc thúc các dự án triển khai nhanh, hiệu quả giống như những tình nguyện viên bình thường khác đến từ New Zealand mà người dân vẫn thường gặp.

Mặc dù tửu lượng không địch nổi người dân đất võ, nhưng Martin rất thích được gọi là “trăm phần trăm” trong những lần gặp gỡ thay cho câu chúc sức khoẻ.

Giờ đây ngài Phó Đại sứ không còn thắc mắc: “Tại sao ở Bình Định người ta hay chúc sức khoẻ, trăm phần trăm thế?”. Nhiều quan chức, cán bộ ở đất võ đã bị Martin cuốn vào phong cách làm việc “trăm phần trăm” như lúc uống.

Người dân đất võ không hiểu Martin học tiếng Việt tự lúc nào, lại còn lơ lớ tiếng Bình Định; lại còn đẹp trai nữa, tiếc là đã có vợ và 2 con rồi nên không thể trở thành rể. Câu cửa miệng mỗi khi Martin nói tiếng Việt là “Không sao đâu!” vì nó làm cho người nói chuyện với anh yên lòng. Martin cả nghĩ như người Bình Định vậy.

Một ngày gần đây khi bà Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình mang bằng khen từ Bình Định ra tận Hà Nội trao tặng, kèm theo chiếc phong bì khiến Martin cứ nấn ná mãi. Đến lúc được giải thích trong phong bì là tiền tượng trưng theo quy chế thi đua khen thưởng gì đó, Martin mới dám nhận.

Ngài Phó Đại sứ cứ than rằng, sao ở đây người ta hay hỏi những câu đại loại: “Lấy vợ chưa?” hoặc “Có ấn tượng gì với con gái Việt Nam?”. Người ta cứ nhè lúc vợ anh đang ngồi lù lù bên cạnh để hỏi. Thế mới khổ chứ! Mà anh cũng đâu còn trẻ trung gì nữa, sắp tứ tuần rồi. Có lẽ cũng vì thế, Martin cố học nói thật chuẩn câu tiếng Việt: “Tôi có gia đình rồi!”.

Rồi anh “quảng cáo” về vùng đất mà mình đang gắn bó rằng, Bình Định là một trong những nơi đẹp nhất ở Việt Nam, gợi nhớ đất nước New Zealand, cũng với những quả đồi xanh ngút, những bãi biển đẹp tuyệt trần.

Martin còn cho biết, New Zealand đã có quan hệ hợp tác với Bình Định từ khi anh chưa được sinh ra. Dù không muốn nói câu tiếng Việt “Tạm biệt”, nhưng một ngày nào đó phải rời xa Việt Nam, Martin hứa sẽ mang về New Zealand không khí trong lành của Bình Định, sự năng động và đầy sức sống của một Hà Nội đang chuyển mình.

Chắc chắn Martin cùng gia đình sẽ trở lại đất nước này ở một chức vụ khác, nhưng đừng quên gọi anh là “trăm phần trăm”.

MỚI - NÓNG