Ông Trump có lạm quyền khi áp đặt Tình trạng khẩn cấp?

Ông Trump có lạm quyền khi áp đặt Tình trạng khẩn cấp?
TPO - Sau khi gặp thất bại trong việc dành sự ủng hộ của Quốc hội cho đề xuất đóng tiền xây tường biên giới của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đưa ra những lựa chọn không mấy dễ chịu.

Giữa việc chấp nhận một thất bại toàn diện với một trong những cam kết chiến dịch quan trọng nhất của mình, và việc ban hành một giải pháp mang tính khẩn cấp, Tổng thống Trump đã chọn cách thứ 2.  Nhờ đó, ông có thể xoay xở số tiền ngân sách từ những bộ phận khác để có đủ 8 tỉ Đô la Mỹ cho việc thi công bức tường biên giới ở phía Nam.

Lựa chọn này cũng để Tổng thống Trump chứng minh trước bộ sậu của mình rằng ông là một người đã nói là làm, nhất là với lời khẳng định sẽ tuyên chiến với sự xâm nhập của dòng người tị nạn bất hợp pháp và các loại ma túy nguy hiểm vào nước Mỹ.

Không thể chối cãi rằng phần lớn những người đang tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ đều đến từ vùng Trung Mỹ, cho dù số lượng đã giảm đi nhiều so với các năm trước. Bên cạnh đó, một số lượng lớn các loại ma túy tuồn vào Mỹ đều có nguồn gốc từ các băng đảng và ông trùm xã hội đen tại Mexico.

Dù vẫn còn những tranh cãi về công năng mà một bức tường vật lý có thể đem lại, khi một số người cho rằng ứng dụng công nghệ cao và tăng cường lực lượng tuần tra biên giới sẽ còn hiệu quả hơn nhiều, nhưng chúng ta hãy tạm gác vấn đề này qua một bên.

Điều đáng lưu tâm ở đây là việc áp dụng tình trạng khẩn cấp sẽ gây hậu quả ra sao.

Thực chất, đây vốn vấn đề gây phân cực giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ. Nhưng việc ban hành tình trạng khẩn cấp mới đây của Tổng thống Trump đang khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn thế. Thậm chí, rất nhiều đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, từ Hạ viện đến Thượng viện, đều không lấy làm dễ chịu về những việc Tổng thống Trump đang làm.

Vì sao vậy? Bởi vì Hiến pháp Mỹ đã phân công cho Quốc hội, chứ không phải Tổng thống, là cơ quan duy nhất có quyền nắm đằng chuôi và phân bố túi tiền của cả quốc gia.

Cho nên, động thái của Tổng thống Trump không khác gì một sự lạm quyền. Nó coi thường quyền hạn của Quốc hội và tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm.

Giả sử, nếu người đứng đầu Nhà Trắng trong một vài năm tới là một đảng viên Dân chủ. Nếu có một vụ xả súng diễn ra ở đâu đó, thì dù không thể bắt Quốc hội phải có các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn, nhưng vị Tổng thống này vẫn có thể áp dụng cách mà ông Trump đã làm trước đó, ban bố một tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Và chỉ trong nháy mắt, một lệnh siết chặt việc sở hữu súng đã được áp dụng.

Tương tự với các vấn đề về chăm sóc y tế và kiểm soát khí hậu, một biện pháp được áp dụng như trên sẽ khiến cho giới lập pháp Mỹ hoàn toàn bị làm ngơ.

Từ trước đến nay, việc ban bố tình trạng khẩn cấp chỉ có thể được thiết lập với những trường hợp chính đáng. Nếu như việc xây tường biên giới được coi là một vấn đề chính đáng, thì tại sao Tổng thống Trump phải mất đến 2 năm để có thể đưa ra động thái trên?

Chắc chắn, đảng Dân chủ sẽ cân nhắc một sự thách thức pháp lý đối với vấn đề này, và sẽ kiện nó ra Tối cao Pháp viện. Nên nhiều khả năng trong những tháng tới, giới luật gia tại Washington sẽ còn bận rộn hơn rất nhiều so với giới xây dựng tại Arizona, Texas, hay California.

Và chắc chắn từ cuộc chiến pháp lý này, câu hỏi trọng tâm được rút ra sẽ là: Đây là tình trạng khẩn cấp mang tính quốc gia, hay là một tình trạng khẩn cấp mang tính chính trị?

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG