Ông Trump 'đại chiến' mạng xã hội

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Twitter đang “ăn miếng trả miếng”ảnh: Fox News
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Twitter đang “ăn miếng trả miếng”ảnh: Fox News
TP - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh nhằm vào các công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, Facebook, Twitter, Google đã có màn “phản pháo” đầu tiên, CNN đưa tin ngày 29/5.

Trước khi ký sắc lệnh ngày 28/5 (giờ Mỹ) với lý do “bảo vệ quyền tự do ngôn luận”, Tổng thống Trump có hai đoạn văn bản đăng trên Twitter bị mạng xã hội này cho rằng “có thể gây hiểu nhầm”. Trước khi đặt bút ký sắc lệnh, ông tuyên bố: “Một số hãng độc quyền truyền thông xã hội kiểm soát một phần lớn các thông tin liên lạc công cộng và riêng tư ở Mỹ. Họ có quyền lực không bị kiểm tra để kiểm duyệt, hạn chế, biên tập, định hình, giấu kín, thay đổi hầu như tất cả hình thức liên lạc giữa các công dân mang tính riêng tư và các nhóm lớn mang tính công cộng”.

Theo nhiều chuyên gia, Nhà Trắng muốn hạn chế quyền lực của các nền tảng truyền thông xã hội lớn bằng cách diễn giải lại một luật được đưa ra năm 1996. Luật này bảo vệ các website và công ty công nghệ khỏi các vụ kiện. Tuy nhiên, một số chính khách, chuyên gia cho rằng, việc hạn chế quyền của các công ty công nghệ có thể là vi hiến. Thượng nghị sĩ Ron Wyden cho rằng, Tổng thống Trump đang cố đánh cắp quyền của tòa án và Quốc hội để tự mình viết lại luật lệ đã có từ lâu.

“Ở một nước từ lâu đã tôn trọng quyền tự do ngôn luận, chúng ta không thể cho phép một số nền tảng trực tuyến tự mình chọn bài viết cho người Mỹ truy cập và chuyển lên Internet. Tập quán này về cơ bản là chống lại Mỹ và chống lại nền dân chủ. Khi các công ty truyền thông xã hội lớn, hùng mạnh kiểm duyệt ý kiến mà họ không đồng ý, họ sẽ thể hiện một thứ quyền lực nguy hiểm”, sắc lệnh viết.

Hôm 26/5, Twitter áp dụng biện pháp kiểm tra thực tế (fact-check) với 2 đoạn tweet của Tổng thống Trump, trong đó có đoạn viết rằng, hình thức bỏ phiếu vắng mặt (cử tri nhận và gửi phiếu bầu qua đường bưu điện) sẽ dẫn tới gian lận trên diện rộng. Tổng thống Mỹ lập tức đáp trả, cáo buộc Twitter kiểm duyệt nội dung người dùng đăng trên mạng và cảnh báo rằng, nếu Twitter tiếp tục gắn fact-check vào các đoạn tweet của ông, ông sẽ sử dụng quyền lực của chính phủ để kiềm chế, thậm chí đóng cửa mạng xã hội này.

Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ cáo buộc các nền tảng truyền thông xã hội viện dẫn tới sự phán xét không nhất quán, không hợp lý và không có căn cứ để kiểm duyệt hoặc trừng phạt các phát ngôn của người Mỹ. Sắc lệnh nêu đích danh Twitter đã áp dụng các nhãn cảnh báo một cách có chọn lọc đối với một số đoạn tweet.

Các công ty công nghệ phản đòn

Chưa đầy hai tiếng rưỡi sau khi sắc lệnh được ký, Twitter tuyên bố, Tổng thống Donald Trump đã vi phạm nguyên tắc không được tán dương bạo lực. Với lý do này, Twitter gắn một nhãn cảnh báo vào một đoạn tweet của ông. Đây là lần đầu tiên Twitter có hành động như vậy với tài khoản của tổng thống.

Twitter đang sử dụng cái mà họ gọi là “thông báo quyền lợi công cộng” để đánh dấu các tweet của ông Trump về biểu tình và bạo lực ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Điều này có nghĩa là đoạn tweet không bị xóa đi, nhưng bị ẩn sau một thông báo có nội dung “Đoạn tweet này vi phạm nguyên tắc của Twitter về tán dương bạo lực. Tuy nhiên, Twitter xác định rằng, đoạn tweet này có thể thuộc mối quan tâm của công chúng nên vẫn để nó ở dạng truy cập được”. Người dùng có thể xem nội dung đoạn tweet nếu họ click bỏ qua thông báo. “Theo tiêu chuẩn đi cùng thông báo này, việc tương tác với đoạn tweet sẽ bị hạn chế. Mọi người có thể đăng lại đoạn tweet cùng với bình luận, nhưng không thể ‘Like’ (thích), ‘Reply” (hồi âm) hoặc ‘Retweet’ (đăng lại)”.

Đoạn tweet của Tổng thống Trump mà Twitter gắn nhãn cảnh báo có nội dung về đêm thứ 3 của các cuộc biểu tình sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd (anh này bị một cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ dẫn tới nghẹt thở). Ông Trump viết trên Twitter: “… Khi cướp phá bắt đầu, súng bắt đầu nổ”. Câu này tương đương câu mà cảnh sát trưởng thành phố Miami cuối thập niên 60 dùng trong một vụ bạo loạn.

Trong khi đó, Facebook và Google nói rằng, hành động can thiện mạng xã hội của Tổng thống Trump có nguy cơ gây tổn hại Internet và nền kinh tế số. Bằng cách bắt các công ty phải chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ mà hàng tỷ người trên thế giới nói ra, sắc lệnh của tổng thống sẽ khiến các công ty bị phạt, người phát ngôn của Facebook, ông Andy Stone, tuyên bố.    

Sắc lệnh mà Tổng thống Donald Trump ký hôm 28/5 cũng chỉ trích Google giúp chính phủ Trung Quốc giám sát công dân của họ, Twitter lan truyền thông tin tuyên truyền của Trung Quốc, Facebook kiếm lời từ quảng cáo của Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.