Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore:

Ông Trump: 'Hy vọng chúng tôi sẽ thích nhau'

Ông Trump: 'Hy vọng chúng tôi sẽ thích nhau'
TP - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 10/6, vài giờ sau khi đến Singapore để chuẩn bị dự hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/6. Hôm qua, Tổng thống Trump nói: “Hy vọng chúng tôi (ông Trump và ông Kim) sẽ thích nhau”.

Theo các hình ảnh do chính phủ Singapore cung cấp, ông Kim đến Singapore trên một chiếc máy bay của hãng hàng không Trung Quốc Air China. Đi cùng với nhà lãnh đạo Triều Tiên là ông Kim Yong-chol, một cố vấn thân cận của ông Kim Jong-un và là Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên.

Theo nhóm phóng viên CNN có mặt tại Singapore, hôm 10/6, khi ông Kim Jong-un tới khách sạn St Regis, khoảng 20 cận vệ Triều Tiên (đeo huy hiệu đỏ) đã có mặt từ trước, chiếm lĩnh các vị trí quan trọng, một số đứng trên các tầng phía trên để bao quát sảnh khách sạn. Cùng với cảnh sát Singapore và nhân viên khách sạn, các cận vệ tạo thành một lá chắn sống xung quanh lối vào. Khách lưu trú tại khách sạn bị cấm cầm máy ảnh, túi xách và được yêu cầu ngồi yên một chỗ. Khi đến khách sạn chiều qua, ông Kim đi thẳng về phía thang máy khách sạn mà không để ý đến đám đông. Ngay sau đó, các quan chức Triều Tiên khác, bao gồm em gái ông Kim, bà Kim Yo-jong, vào khách sạn.

Trong khi Tổng thống Trump nói nhiều điều tích cực về cuộc gặp sắp tới với nhà lãnh đạo Kim, ông vẫn chưa công bố về những nội dung mà hai bên có thể đạt được trong thực tế. “Tôi có cảm giác rằng ông Kim Jong-un muốn làm điều gì đó vĩ đại cho người dân của mình. Và ông ấy đang có cơ hội đó và ông sẽ không có cơ hội đó lần thứ hai”, Tổng thống Mỹ nói trong cuộc họp báo tại Canada trước khi rời Hội nghị thượng đỉnh G7. “Ít nhất là chúng tôi sẽ gặp nhau… Hy vọng chúng tôi sẽ thích nhau”, ông Trump nói.

Các nguồn tin nói với CNN rằng, dựa trên định hướng cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6, giới chức Mỹ đã lên kế hoạch dự phòng cho khả năng ông Trump và ông Kim kéo dài thảo luận sang ngày thứ hai. Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đến Singapore hôm Chủ nhật, ông Kim đến trước. Phía Mỹ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ khởi đầu tiến trình và đích đến cuối cùng là ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân, BBC đưa tin.

Chi phí mà Singapore bỏ ra cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là vào khoảng 15 triệu USD, Thủ tướng Lý Hiển Long hôm qua nói với đông đảo phóng viên tại trung tâm báo chí mà Singapore vừa xây dựng để đáp ứng nhu cầu tác nghiệp của họ.

Kỳ vọng và lo lắng

Một nhóm quan chức Mỹ mới đây tới Hàn Quốc, thường xuyên gặp gỡ các quan chức Triều Tiên ở khu phi quân sự để bàn thảo về cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore. Dù giới chức Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng, Triều Tiên đang chuẩn bị để phi hạt nhân hóa một cách đầy đủ, chưa rõ những việc cụ thể mà Bình Nhưỡng, Washington và Seoul sẽ phải làm là gì.

Theo giới quan sát, từ tháng 1, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định thương thảo với Hàn Quốc thông qua kênh ngoại giao, ông đánh tín hiệu rằng, ông sẵn sàng chấp nhận một số khía cạnh nhất định trong liên minh quân sự Mỹ-Hàn. Tháng 4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, ông Kim sẵn sàng từ bỏ yêu cầu Mỹ quân khỏi Hàn Quốc như là điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tháng 3, ông Moon nói rằng, ông Kim hiểu quan điểm của Hàn Quốc về việc tập trận chung với Mỹ, nhưng tháng trước, Triều Tiên lại tạm ngừng đàm phán với Hàn Quốc vì cuộc tập trận không chiến thường niên với sự tham gia của 2.000 lính Mỹ và Hàn Quốc.

Thế giới hiện nay băn khoăn liệu ông Kim có sẵn lòng hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân, tháo dỡ vũ khí và cho phép các chuyên gia độc lập vào Triều Tiên để xác nhận, kiểm tra mọi cơ sở liên quan. Một câu hỏi nữa là nhiều quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm là số phận của hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn của Bình Nhưỡng sẽ ra sao. Các đồng minh khu vực của Mỹ lo ngại rằng, Washington chỉ tập trung xử lý nguy cơ đối với đất liền Mỹ, ép Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà coi nhẹ nguy cơ đối với các nước láng giềng của Triều Tiên.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.