Ông Trump loay hoay tìm cách giải quyết 'hồ sơ' Bán đảo Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang “loay hoay” trong việc giải quyết triệt để hồ sơ Triều Tiên - điều mà Mỹ đã thất bại trong suốt 25 năm qua. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang “loay hoay” trong việc giải quyết triệt để hồ sơ Triều Tiên - điều mà Mỹ đã thất bại trong suốt 25 năm qua. Ảnh: AP
TPO - Việc Triều Tiên liên tục tiến hành thử tên lửa cùng với việc dọa thử hạt nhân bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã khiến cho Washington cùng các đồng minh “đứng ngồi không yên” và không ngừng đưa ra những biện pháp đáp trả.

Giới chuyên gia cho rằng ngoại giao là giải pháp duy nhất cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Cũng như nhiều chính quyền tiền nhiệm khác, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang “loay hoay” trong việc giải quyết triệt để hồ sơ Triều Tiên - điều mà Mỹ đã thất bại trong suốt 25 năm qua.

Về cơ bản, ông Trump có 3 sự lựa chọn: một cuộc tấn công quân sự có thể châm ngòi một cuộc chiến toàn diện; gây áp lực buộc Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn để thuyết phục Triều Tiên thay đổi, cách tiếp cận mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã thất bại; tiến hành đối thoại ngoại giao.

Về lựa chọn đầu tiên. Việc Mỹ bắn tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria hôm 6/4, thả “bom mẹ” xuống miền Đông Afghanistan hôm 13/4 cũng như việc Washington mới điều nhóm tàu sân bay tới gần Bán đảo Triều Tiên càng làm gia tăng đồn đoán khả năng sẽ tấn công Triều Tiên.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh cuộc tấn công của cường quốc quân sự số 1 thế giới nhằm vào một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả to lớn và không thể chấp nhận được với Mỹ.

Về lựa chọn thứ 2. Tổng thống Trump cho rằng có thể sử dụng sức ép thương mại để buộc Trung Quốc tác động đến Bình Nhưỡng, ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này.

Hôm 16/4 vừa qua, Cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống Mỹ H.R McMaster cho biết, Mỹ sẽ dựa vào các đồng minh của mình cũng như tiếp tục yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ để giải quyết các vấn đề với Triều Tiên.Ngoài ra, Mỹ cũng hiểu rõ rằng, cái giá của việc dồn ép Triều Tiên quá mức có thể sẽ rất tàn khốc, nhất là khi Triều Tiên không ngại động binh.

Về lựa chọn thứ 3. Từ trước tới nay, Triều Tiên thường cử các quan chức không có quyền quyết định tham gia các vòng đàm phán hạt nhân sáu bên gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, vốn được khởi động từ năm 2003 song đã bị ngưng trệ từ cuối năm 2008. Nỗ lực đàm phán kiểu này rất khó thành công. Người duy nhất có quyền quyết định ở Triều Tiên là nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong thời gian vận động tranh cử năm 2016, ông Trump đã 2 lần tuyên bố sẵn sàng gặp ông Kim để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa cũng như tiến tới ký kết những thỏa thuận tốt hơn. Tuy nhiên, cần phải thuyết phục ông Kim rằng, Mỹ sẽ không tấn công nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Tín hiệu Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng được thể hiện rõ trong những tuyên bố của giới lãnh đạo nước này. Mới đây, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh báo Triều Tiên chớ nên thử thách quyết tâm của Mỹ, song ông cũng đề cập đến khả năng Chính quyền Trump theo đuổi đàm phán.

Sau khi rời Hàn Quốc tới Nhật Bản, ông Pence ngày 18/4 đã ra tuyên bố mới nhất tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo rằng “Mỹ sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc, để đạt được một giải pháp hòa bình tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.

Lâu nay, Trung Quốc – đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên – vẫn tán thành phương án đàm phán để ngăn chặn cuộc xung đột ngay cạnh biên giới của họ. Một cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là ác mộng đối với Trung Quốc, có thể phá hủy cả hai miền Triều Tiên, làm thụt lùi nỗ lực chiếm vị trí bá chủ thế giới của Bắc Kinh.

Chìa khóa mở cánh cửa đối thoại cũng được thể hiện trong thông điệp của các nước khác tham gia vòng đàm phán 6 bên. Nhật Bản gần đây cũng đã nhấn mạnh ưu tiên các nỗ lực ngoại giao hơn là sử dụng vũ lực trong việc ứng phó với tình hình trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Hàn Quốc đề cao một giải pháp khôn khéo, không tạo khả năng xảy ra căng thẳng và đối đầu quân sự khi giải quyết các vấn đề về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nga cho rằng việc Mỹ đơn phương hành động quân sự là con đường rất mạo hiểm. Nga nhấn mạnh không chấp nhận các hành động hạt nhân của Triều Tiên vốn vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc, nhưng điều đó không có nghĩa rằng Mỹ có thể phá vỡ luật pháp quốc tế.

Lịch sử cho thấy căng thẳng leo thang với Triều Tiên thực chất lại mở ra cơ hội cho giải pháp ngoại giao. Một trong những vấn đề quốc tế phức tạp nhất là "hồ sơ hạt nhân" Iran đã có thể được giải quyết sau hơn 12 năm đàm phán. Chính vì vậy, việc nối lại đối thoại là cơ hội cuối cùng cho tình thế hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

MỚI - NÓNG