Ông Yanukovych bán công nghệ tàu sân bay cho Trung Quốc?

Máy bay J-15 tập luyện cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Chinamil
Máy bay J-15 tập luyện cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Chinamil
TP - Từ khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất, nhiều thông tin bí mật được tiết lộ. Theo tài liệu mới được trang Tổ hợp công nghiệp quân sự Nga công bố, chính quyền của ông Yanukovych cung cấp công nghệ tàu sân bay cho Bắc Kinh.

Năm 1998, Ukraine bán tàu sân bay của hải quân Liên Xô trước đây mang tên Varyag cho Trung Quốc, với điều kiện ràng buộc trong hợp đồng là nó không được sử dụng cho mục đích quân sự.

Tuy nhiên, sau đó, quân đội Trung Quốc cải tạo, nâng cấp toàn diện con tàu cũ và trang bị cho hải quân với tư cách tàu sân bay đầu tiên của nước này vào năm 2012 dưới cái tên Liêu Ninh.

Trong quá trình cải tạo tàu Varyag, Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị được tiếp cận công nghệ chủ chốt trong việc đóng tàu sân bay của Ukraine, nhưng đều bị từ chối. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi ông Yanukovych đắc cử tổng thống năm 2010.

Dưới thời ông Yanukovych cầm quyền, chuyên gia quân sự Trung Quốc được phép vào thăm NITKA (Tổ hợp nghiên cứu và đào tạo hàng không) tại bán đảo Crimea. Theo tài liệu mới được công bố, Trung Quốc sau đó có được tất cả công nghệ cần thiết để cải tạo, nâng cấp tàu sân bay cũ.

Varyag được trang bị động cơ do Ukraine chế tạo và mẫu máy bay trên hạm. Năm 2005, Ukraine bán cho Trung Quốc hai nguyên mẫu máy bay chiến đấu trên hạm Su-33, trên cơ sở đó, Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu trên hạm J-15 hiện nay.

Hợp tác quân sự giữa Ukraine và Trung Quốc dưới thời ông Yanukovych không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hải quân mà còn mở rộng sang một số quân binh chủng khác. Một nguồn tin nói rằng, do mối quan hệ quá thân thiết với Trung Quốc, ông Yanukovych trở thành một trong những cái gai trong mắt Washington.

* AP ngày 7/4 đưa tin, Trung Quốc đồng ý với đề nghị của Mỹ để Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lên thăm tàu sân bay Liêu Ninh.

Ông Hagel trở thành quan chức nước ngoài đầu tiên được phép lên boong con tàu được xem là một biểu tượng sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Ông Hagel đã tới thành phố cảng Thanh Đảo, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus được hải quân Trung Quốc đưa lên thăm tàu sân bay neo đậu ở căn cứ hải quân Yuchi.

Chuyến thăm tàu sân bay Liêu Ninh có ý nghĩa quan trọng khi Washington đang cố gắng đối thoại với các quan chức cấp cao Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng và hối thúc Bắc Kinh minh bạch hơn về quốc phòng, một quan chức quân đội Mỹ cho biết.

Trung Quốc xây dựng biên đội tàu sân bay theo mô hình Mỹ và có kế hoạch trang bị 4 tàu sân bay. Dự kiến, tàu Liêu Ninh được trang bị 30 máy bay trong năm tới.

Theo Theo Want China Times, AP
MỚI - NÓNG