Pakistan lún sâu vào khủng hoảng chính trị

Pakistan lún sâu vào khủng hoảng chính trị
TP- Giữa lúc cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan đang ngày càng lún sâu và chưa tìm được lối ra, đương kim Tổng thống Musharraf công bố ý định ông sẽ từ bỏ chức Tổng tư lệnh quân đội Pakistan.
Pakistan lún sâu vào khủng hoảng chính trị ảnh 1
Bà B.Bhutto - Ảnh: Reuters

Lãnh tụ đảng đối lập Nhân dân Pakistan, bà Benazir Bhutto hôm 15/11 nói rằng, bà mong muốn thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc để thay thế cho chính phủ hiện nay của Tổng thống Pervez Musharaf trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử.

Trả lời hãng tin Mỹ AP qua điện thoại, bà Bhutto từ nơi bị quản thúc ở thành phố Lahore nói rằng bà sẽ trao đổi với lãnh tụ các đảng đối lập khác để thuyết phục họ ủng hộ quan điểm của bà. Bà cựu Thủ tướng Pakistan còn để ngỏ câu trả lời ai sẽ là người đứng đầu một chính phủ đoàn kết dân tộc như vậy.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng và chưa tìm được lối ra, đương kim Tổng thống Musharraf công bố ý định ông sẽ từ bỏ chức Tổng tư lệnh quân đội Pakistan.

Ông Musharraf không nói rõ về vai trò chính trị của ông sau này nhưng dư luận tin rằng, nếu Tổng thống Musharraf từ bỏ chức quân sự ông sẽ vẫn nắm giữ chức vụ dân sự. Ông Musharraf bày tỏ sự tức giận trước việc phương Tây gây sức ép đòi ông phải sớm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng lãnh sự Mỹ Bryan Hunt hôm 15/11 đã đến gặp bà Bhutto tại nơi bà đang bị quản thúc. Trong cuộc gặp này, ông Bryan Hunt nói rằng Mỹ muốn cuộc tổng tuyển cử ở Pakistan phải tổ chức một cách tự do, dân chủ, càng sớm càng tốt.

Sau cuộc gặp này, bà Bhutto cho biết, ông Bryan Hunt đến gặp bà để tìm hiểu khả năng bà có còn ý định hợp tác với Tướng Musharraf nữa hay không?

Bà Bhutto đã trả lời ông Bryan Hunt rằng sẽ rất khó làm việc với một người mà thay vì đưa chúng tôi đến chế độ dân chủ thì ông ta lại đẩy chúng tôi vào chế độ độc tài quân sự.

Bà cựu Thủ tướng Pakistan cho biết bà đã cố gắng làm yên lòng các quan chức Mỹ về tình hình ở Pakistan sẽ ra sao trong trường hợp Tổng thống Musharraf buộc phải ra đi. Bà cho rằng quốc gia hạt nhân Pakistan dứt khoát phải trải qua một thời kỳ quá độ trong trật tự.

Ngày 15/11, cũng là ngày kết thúc 5 năm nhiệm kỳ Tổng thống của ông Musharraf. Những ngày tiếp theo tuy ông vẫn điều hành chính quyền nhưng chỉ là việc điều hành tạm thời khi chưa có một chính quyền mới được bầu lên một cách dân chủ.

Nhiệm vụ của chính quyền lâm thời là điều hành, tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội Pakistan được ấn định vào ngày 9/1/2008. Tuy nhiên, các phe đối lập lẫn các chính phủ phương Tây đều chung quan điểm rằng cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới sẽ không thể có tự do, dân chủ, công bằng nếu tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc Pakistan chưa được bãi bỏ.

Hiện nay, Mỹ vẫn coi ông Musharraf là một trong những đồng minh trung kiên trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, Washington vẫn muốn ông Musharraf chia sẻ quyền lực cho các nhà chính trị đối lập ôn hòa để có thể huy động được sự ủng hộ của nhiều dân chúng Pakistan hơn nữa.

Tổng thống Musharraf luôn cả quyết rằng sở dĩ ông cần duy trì tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc là vì muốn ngăn cản sự can thiệp của các lực lượng cực đoan đối với các thẩm phán vào tình hình chính trị đang rối bời trong nước.

Đ.P
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.