Phán quyết Tòa trọng tài vẫn “nóng”

Tàu cá Trung Quốc treo ngược cờ Philippines. (Nguồn: BFAR)
Tàu cá Trung Quốc treo ngược cờ Philippines. (Nguồn: BFAR)
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, giáo sư Jean-Marie Crouzatier, Đại học Toulouse 1 Capitole (Pháp), nhận định, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc đưa ra ngày 12/7/2016 vẫn rất thời sự.

Theo phán quyết, quyền lịch sử mà Trung Quốc đòi hỏi với biển Đông cũng như đường 9 đoạn không hề có giá trị pháp lý. Cũng theo phán quyết, nhiều hoạt động của Trung Quốc trên các thực thể địa lý là hoàn toàn trái pháp luật. Các hoạt động đó bao gồm phá hoại các tài nguyên biển, rạn san hô ở biển Đông, nhất là khi họ xây dựng trái phép các đảo nhân tạo; ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt hải sản một cách hợp pháp… Tuy nhiên, sau phán quyết của Tòa trọng tài, Trung Quốc vẫn không tuân thủ, vẫn có nhiều hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển như củng cố các đảo nhân tạo, lắp đặt trang thiết bị quân sự trên đó… làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Theo giáo sư Crouzatier, để đối phó Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, trong khi Philippines tìm kiếm sự giúp đỡ của đồng minh Mỹ, các nước trong khu vực cần tìm kiếm sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng quốc tế, trong đó có các cường quốc. “Ngoài ra, Liên minh châu Âu không có nhiều lợi ích ở khu vực nhưng cũng có tác dụng”, ông nói.

Bill Hayton, chuyên gia của Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh, nhận định, một năm trước, Trung Quốc đã thất bại nặng nề trong trận chiến pháp lý với Philippines, khi tòa án quốc tế ở La Hay phát quyết rằng, yêu sách quá đáng của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo, tài nguyên ở biển Đông đi ngược luật pháp quốc tế. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân từng nói rằng, phát quyết “chỉ là mảnh giấy bỏ đi” và “sẽ không có ai thực thi nó”. Tuy nhiên, một năm qua, ở một góc độ nào đó, Trung Quốc không dám coi thường phán quyết, mà ít nhiều tuân thủ nó, ông Hayton nhận định. Ba tháng sau phán quyết, Bắc Kinh đồng ý để tàu cá Philippines trở lại đánh bắt ở bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh cũng hạn chế việc kéo giàn khoan thăm dò dầu khí ra vùng biển tranh chấp.

“Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào việc liệu Philippines và các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới - những nước quan tâm tới sự thượng tôn pháp luật quốc tế có hành động đủ để khu vực tiến tới giải pháp hòa bình cho các tranh chấp hay không?”, ông Hayton đặt câu hỏi.

MỚI - NÓNG