Trung - Nhật khẩu chiến Phù Tang tập trận

Trung - Nhật khẩu chiến Phù Tang tập trận
TP - Ngày 1/11, Nhật Bản bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn với 34.000 quân, tàu khu trục, máy bay chiến đấu, nhằm biểu dương sức mạnh và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ. Trước đó, hai bên lời qua tiếng lại nặng nề, căng thẳng.

> Nhật Bản tập trận, quảng bá online chủ quyền đảo tranh chấp
> Chuyên gia Mỹ nhận định về chiến tranh Trung – Nhật
> Kịch bản xung đột Trung -Nhật ở Thái Bình Dương

Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản diễn tập đổ bộ chiếm đảo bằng đường không. Nguồn: China News
Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản diễn tập đổ bộ chiếm đảo bằng đường không. Nguồn: China News.

Cuộc tập trận kéo dài hai tuần có khoa mục đổ bộ, tái chiếm một hòn đảo xa xôi không người ở bị quân địch chiếm giữ trái phép. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc đang thực hiện cuộc diễn tập nhiều tuần ở tây Thái Bình Dương với sự tham gia của cả 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Xinhua cho biết, những cuộc thao dượt này nhằm cải thiện khả năng tác chiến biển xa.

Cách đây ít hôm, Trung Quốc lần đầu tiên công bố những hình ảnh về hạm đội tàu ngầm hạt nhân của mình. Báo chí nước này đưa tin rầm rộ. Báo Global Times viết: “Trung Quốc rất hùng mạnh khi sở hữu năng lực phản công hạt nhân đáng tin cậy. Một số nước đã không đánh giá nghiêm túc điều này khi hoạch định chính sách đối với Trung Quốc, dẫn đến thái độ nông nổi”.

Lời cảnh báo trên trực tiếp nhằm vào những phát biểu mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Không chấp nhận việc Trung Quốc dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng. Nhật Bản sẵn sàng đương đầu nếu Trung Quốc định dùng vũ lực để tranh đoạt lợi ích. Ông Abe cũng nêu quan điểm cần thay đổi tính chất tự vệ của Lực lượng Phòng vệ do môi trường an ninh Nhật Bản đang bị uy hiếp nghiêm trọng. Ngày 31/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói rằng, phát biểu của ông Abe là “thay đen đổi trắng, không biết tự lượng sức mình” và quả quyết “Trung Quốc xưa nay chưa từng sợ chiến tranh”.

Căng nhưng không đứt

Gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản liên tiếp lời qua tiếng lại theo kiểu ăn miếng trả miếng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera ngày 29/10 chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở biển Hoa Đông gây tổn hại cho hòa bình khu vực. Trước đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nếu Nhật Bản bắn hạ máy bay không người lái của Trung Quốc thì đó là “hành động chiến tranh”. Dù phát biểu của đôi bên đều căng thẳng”, nhiều chuyên gia tin rằng, tranh chấp sẽ khó bùng phát thành xung đột quân sự. Bắc Kinh và Tokyo đều hiểu rõ cái giá rất đắt của xung đột quân sự. Kinh tế Nhật Bản vừa gượng dậy sau suy thoái kéo dài sẽ tụt dốc không phanh. Công cuộc chấn hưng dân tộc và giấc mơ siêu cường của Trung Quốc sẽ tan biến.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc thừa biết đằng sau Nhật Bản là Mỹ, nước có thể can thiệp theo cam kết hiệp ước đồng minh Mỹ-Nhật và Trung Quốc vẫn cẩn thận dành dư địa để “cài số lùi” khi cần. Đến nay, mới chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc được đẩy ra “sân khấu”, chưa có bất kỳ quan chức cao cấp nào ra mặt, trường hợp nguy cơ sắp vượt giới hạn an toàn vẫn còn cơ hội “xuống thang”.

Căng thẳng Trung-Nhật xung quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đột ngột tăng cao sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa một số hòn đảo hồi năm 2012. Gần như tuần nào Bắc Kinh cũng phái tàu và chiến đấu cơ tới gần Senkaku/Điếu Ngư, buộc Nhật Bản phải gấp rút triển khai lực lượng ứng phó.

Nhằm giải tỏa sự hoài nghi về chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ sau khi Tổng thống Barack Obama không thể dự Thượng đỉnh APEC và Thượng đỉnh Đông Á, tuần qua, Mỹ điều đội tàu sân bay USS George Washington đến biển Đông. Quan chức nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia... đã bay ra thăm, chứng kiến hàng không mẫu hạm Mỹ biểu dương sức mạnh, thể hiện khả năng sẵn sàng tác chiến.

Đặng Vương Hạnh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG