Pháp: Ầm ĩ vụ lãnh đạo điện lực quốc gia nhận hai lương

Pháp: Ầm ĩ vụ lãnh đạo điện lực quốc gia nhận hai lương
TP - Hàng loạt chỉ trích được đưa ra nhằm vào đảng cầm quyền UMP của Tổng thống Nicolas Sarkozy sau khi báo chí rầm rộ đưa tin việc Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Quốc gia (EDF), ông Henri Proglio, nhận cả lương lãnh đạo kiêm nhiệm tại tập đoàn đa quốc gia Veolia Environnement với thù lao tới hơn 2 triệu euro/năm.
Pháp: Ầm ĩ vụ lãnh đạo điện lực quốc gia nhận hai lương ảnh 1
Tổng giám đốc EDF, ông Henri Proglio - Ảnh: Reuters

Nhật báo Le Monde cho biết tổng số hai khoản lương mà ông Henri Proglio (60 tuổi) nhận được nhờ nắm giữ vị trí Tổng giám đốc EDF, từ cuối năm 2009 đến nay, và kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Veolia lên tới 2,05 triệu euro/năm (tương đương 52,24 tỷ đồng/năm).

Riêng thù lao cho chức danh lãnh đạo EDF mỗi năm lên tới 1,6 triệu euro, trong đó 600.000 euro là tiền thưởng nếu ông Proglio hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mọi việc trở nên ầm ĩ khi ông Proglio, bị tố cáo, ngoài việc nhận lương ở EDF, còn được trả tới 450.000 euro/năm cho chức danh kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT ở tập đoàn Veolia.

Các báo cáo chính thức cho thấy, tiền lương hàng năm của ông Proglio đã tăng lên khoảng 2 triệu euro/năm sau khi ông này nhận nhiệm vụ ở EDF.

Tiết lộ này hoàn toàn trái ngược với những gì mà Bộ trưởng Kinh tế Christine Lagarde khẳng định hồi tháng 11-2009 về việc ông Proglio sẽ chỉ nhận được một khoản tiền lương duy nhất khi chuyển từ Veolia sang làm việc ở EDF.

Mức lương khủng trên giúp ông Henri Proglio nhảy 13 bậc so với người tiền nhiệm Pierre Gadonneix trong bảng xếp hạng các lãnh đạo tập đoàn được trả lương cao nhất ở Pháp.

Năm 2008, trước khi về hưu, mức lương của ông Pierre Gadonneix chỉ xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng với tổng số tiền được trả là 1,09 triệu euro/năm.

Theo bảng xếp hạng về lương của Công ty tư vấn Proxinvest, với 2,05 triệu euro/năm lương của ông Henri Proglio cao thứ 17 trong số 40 lãnh đạo doanh nghiệp được trả cao nhất.

Việc Tổng giám đốc EDF nhận hai lương cũng gây nhiều tranh cãi trong nội bộ đảng cầm quyền UMP. Một số nghị sĩ cho rằng việc nhận lương đúp này là đúng theo quy luật thị trường trong khi không ít nghị sĩ trong đảng khẳng định điều này không chấp nhận được.

Trần tình trước Quốc hội về chuyện hai lương trên, Bộ trưởng Christine Lagarde cho biết, do ông Proglio không được nhận tiền lương  kiêm nhiệm tại tập đoàn nên Hội đồng quản trị Veolia đã quyết định dành “khoản trợ cấp” 450.000 euro/năm để trả công cho năng lực và công việc của vị Chủ tịch HĐQT.

“Tổng giám đốc của EDF không được trả lương khi giữ chức Chủ tịch của Veolia. Ông Proglio chỉ nhận 1,6 triệu euro chứ không phải 2 triệu euro như tố cáo” - Bà Christine Lagarde khẳng định.

Trước sự việc ầm ĩ trên, đại diện Chính phủ Pháp rốt cục cũng phải lên tiếng xác nhận ông Henri Proglio nhận hai lương, trong đó lương trả cho chức danh lãnh đạo tập đoàn điện lực là 1,6 triệu euro/năm. Mức lương này cao hơn tới 45% so với mức lương của lãnh đạo EDF tiền nhiệm là ông Pierre Gadonneix.

Nhập nhèm công - tư

Trước sức ép của dư luận, ngày 22-1, ông Henri Proglio phải tuyên bố không nhận số tiền lương hàng năm lên tới 450.000 euro mà Veolia Environnement trả cho ông với danh nghĩa Chủ tịch tập đoàn. “Tôi quyết định không nhận mọi khoản tiền lương dành cho chức danh lãnh đạo ở Veolia” - Ông Proglio tuyên bố.

Bất chấp sự nhượng bộ của ông Proglio, nhiều thành viên Đảng Xã hội Pháp tiếp tục yêu cầu ông phải từ chức với lý do Tổng giám đốc EDF kiêm nhiệm chức danh chủ tịch tập đoàn đa quốc gia Veolia sẽ dẫn tới sự xung đột về lợi ích do hai tập đoàn này đang cạnh tranh nhau trong một số lĩnh vực.

“Ông Proglio phải chọn và phải từ bỏ việc nắm giữ một trong hai vị trí hiện nay. EDF cần một nhà lãnh đạo dành toàn tâm toàn ý cho sự phát triển của tập đoàn trong tương lai và cho cả sự phát triển của ngành điện nước Pháp” - ông Benoit Hamon, phát ngôn viên Đảng Xã hội lên tiếng.

Phản ứng mạnh hơn, phát ngôn viên Đảng Xã hội ở Quốc hội, bà Aurélie Filippetti, cho rằng hành động nửa vời của ông Proglio là chưa đủ thuyết phục. “Một doanh nghiệp nhà nước hàng đầu không thể do chủ tịch một doanh nghiệp tư nhân lãnh đạo trong khi doanh nghiệp này có những hoạt động cạnh tranh với EDF” - Bà nói

Bộ trưởng Ngân sách Eric Woerth cũng cho rằng đây là số tiền rất lớn đối với bất cứ ai. Tuy nhiên ông khẳng định ở các quốc gia khác, các nhà lãnh đạo còn được trả lương cao hơn.

Dù thừa nhận việc ông Henri Proglio nhận hai lương là gây sốc với một số người nhưng người phát ngôn Chính phủ Pháp Luc Chatel lại cho rằng số tiền này phản ánh tiền lương của các nhà lãnh đạo có chất lượng ở Pháp. Ngoài ra mức lương này chỉ cao thứ 32 nếu so với mức lương của các lãnh đạo thuộc 40 doanh nghiệp lớn nhất nước Pháp.

Bà Valérie Rosso-Debord, thành viên đảng UMP tuyên bố lấy làm sốc khi một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được hưởng hai lương. “Làm việc cho doanh nghiệp nhà nước thì phải tôn trọng những quy tắc chung”- Bà nói.

Năm 2008, tiền lương trung bình của lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất ở Pháp lên tới 3,4 triệu euro/năm, cao gấp 211 lần so với mức lương tối thiểu của một người lao động.

Đứng đầu trong danh sách các lãnh đạo tập đoàn được trả lương cao nhất nước Pháp là tỉ phú Bernard Arnault, sinh năm 1949 với mức lương 16,8 triệu euro/năm.

Ông Bernard Arnault hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LVMH, tập đoàn sở hữu hơn 50 thương hiệu lừng danh như Moet & Chandon, Louis Vuitton, Fendi, Christian Dior Perfumes...

Năm 2006, tỉ phú Bernard Arnault được tạp chí Forbes xếp thứ 7 trong số những người giàu nhất thế giới.

Phạm Tuyên
Theo Le Monde, Le Figaro

MỚI - NÓNG