Pháp: Chuẩn bị một làn sóng bãi công mới

Pháp: Chuẩn bị một làn sóng bãi công mới
TP - Ngày 4/4, công nhân ngành giao thông vận tải và giáo viên cùng các sinh viên trên toàn nước Pháp chuẩn bị tổ chức một làn sóng bãi công mới nhằm phản đối luật lao động mới (CPE).
Pháp: Chuẩn bị một làn sóng bãi công mới ảnh 1
(Từ phải qua trái)Bộ trưởng Giáo dục Gilles de Robien, Bộ trưởng Quốc phòng Michele Alliot Marie, Thủ tướng Dominique de Villepin, Bộ trưởng Lao động Jean Louis Borloo họp bàn cách đối phó  ảnh: Reuters

Những người biểu tình hy vọng trước sự phản đối mạnh mẽ của người Lao Động, nhà cầm quyền Pháp sẽ phải hủy bỏ Luật Lao động nói trên. Cho đến nay Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Dominique deVillepin vẫn chưa chịu hủy bỏ dự luật gây tranh cãi sâu sắc này.

Giới cầm quyền Pháp mới đưa ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng thực hiện những nhượng bộ mới nếu lãnh tụ của các công đoàn đồng ý ngồi vào bàn thương lượng.

Trong khi đó, phe chống đối hy vọng huy động được từ 1–3 triệu người tham gia xuống đường trên toàn quốc để đòi phải hủy luật CPE. Nếu điều này thành hiện thực thì đây sẽ là cuộc bãi công, biểu tình lớn nhất trong nền cộng hòa thứ 5 của Pháp tồn tại 48 năm qua.

Báo chí Paris gọi đó sẽ là “ngày đen tối” khi cuộc sống trên toàn nước Pháp bị tê liệt do làn sóng biểu tình, bãi công mới.

Do cuộc đình công và xuống đường của thanh niên, công đoàn viên và các lực lượng cánh tả Pháp kéo dài suốt một tháng qua, ngành lọc dầu Pháp phải giảm sản lượng tại 3 trong tổng số 6 nhà máy.

Vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. Các hãng hàng không ước tính có tới 1/3 số chuyến bay trong nước và quốc tế phải hủy bỏ do đình công. Những chuyến bay nào không bị hủy bỏ thì cũng phải chậm trễ ít nhất 90 phút.

Để chuẩn bị đối phó với làn sóng bãi công, biểu tình mới, Chính quyền thành phố Paris đã huy động 4.000 nhân viên cảnh sát, trong đó có nhiều lực lượng mặc thường phục sẵn sàng đàn áp nếu bạo lực lại xảy ra giống như hôm 28/3 vừa qua.

Hôm đó những người biểu tình đã dùng bom xăng, gạch đá, chai lọ đáp trả khi cảnh sát Pháp dùng hơi cay và vòi rồng để dẹp đám đông biểu tình.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã thúc giục sửa đổi một số điều trong luật CPE để phe chống đối có thể chấp nhận được, chẳng hạn như rút thời gian cúp việc từ 2 năm đầu tiên xuống còn 1 năm và một số nhượng bộ khác nữa.

Nghị sĩ Bernard Accoyer lãnh tụ đảng Phong trào Dân tuý (UMP) của Tổng thống Chirac cho biết phe cầm quyền bảo thủ đã sẵn sàng gặp đại diện các công đoàn ngày 5/4 để thương lượng.

Khi được hỏi đó có phải là một chiến thuật làm xì hơi bầu không khí tức giận trong đám người biểu tình hay không và luật CPE có bị hủy bỏ không,  Nghị sĩ này nói: đừng đề cập đến luật CPE nữa mà hãy thảo luận về tương lai.

Các lãnh tụ công đoàn và phe chống đối đã khẳng định không chấp nhận đối thoại với giới cầm quyền trừ khi phe bảo thủ cam kết hủy bỏ luật CPE đồng thời bắt tay vào việc tìm giải pháp cho tình trạng thất nghiệp trong thanh niên hiện đã ở mức 22%.

Cuộc xuống đường của phe chống đối gây bất lợi cho đương kim Thủ tướng Dominique de Villepin bao nhiêu thì lại tạo cơ hội cho Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy bấy nhiêu.

Hai ông này hiện được coi là ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2007. Báo chí Pháp dẫn lời nhiều đồng minh của ông Sarkozy kêu gọi hủy bỏ luật CPE.

Nếu luật CPE bị hủy bỏ, tương lai của Thủ tướng de Villepin sẽ bị phương hại. Trong khi Thủ tướng de Villepin không thể tiếp cận được với các lãnh tụ công đoàn thì ông Sarkozy đã gặp được các đại diện của phe chống đối.

Vì điều này, báo Le Parisien coi Bộ trưởng Nội vụ Sarkozy là “đồng Thủ tướng” với ông de Villepin. Và nếu trong trường hợp Thủ tướng de Villepin buộc phải từ chức để chịu trách nhiệm cho việc không điều hành được tình hình đất nước, rất có thể ông Sarkozy sẽ là người được đưa vào ghế Thủ tướng Pháp. 

 Đ.P

Theo Reuters, CNN

MỚI - NÓNG