Pháp: 'Quả bom hẹn giờ' giữa lòng châu Âu

Pháp: 'Quả bom hẹn giờ' giữa lòng châu Âu
Mối đe dọa đồng euro sụp đổ đã dịu đi, nhưng để đồng tiền chung hồi phục sẽ cần gian nan nhiều năm. Áp lực cải cách và cắt giảm ngân sách sôi sục nhất ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý, với những cuộc đình công hàng loạt và xung đột với cảnh sát hồi tuần rồi.

> Châu Âu cần liên minh ngân hàng

Nhưng một rắc rối khác đã lờ mờ hiện ra, còn lớn hơn những rối ren này, nhất là khi tổ chức đánh giá Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Pháp từ AAA xuống AA1, với lý do là “triển vọng tăng trưởng kinh tế lâu dài của Pháp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những thách thức về cơ cấu, kể cả thiếu tính cạnh tranh và tính cứng nhắc của các thị trường nhân công, hàng hóa và dịch vụ”.

Bộc lộ yếu kém từ khủng hoảng

Cho dù Tổng thống François Hollande cam kết những đổi mới của ông sẽ giảm thâm hụt công còn 3% vào năm 2013, Moody’s không tin là chính phủ Hollande có thể - hay sẽ - thực hiện những cải cách cơ cấu cần thiết và cắt giảm chi tiêu để cải thiện bậc tín nhiệm trong trung hạn, bày tỏ lo ngại là Pháp phơi nhiễm những rủi ro từ các nước yếu kém trong khu vực euro.

Pháp luôn ở trung tâm khu vực, kể từ khi EU thành lập. Cố Tổng thống François Mitterand ủng hộ đồng tiền chung vì ông hy vọng tăng tầm ảnh hưởng của Pháp trong EU, nếu không thì EU có thể chịu sự chi phối của một nước Đức thống nhất.

Pháp đã thu lợi nhiều từ đồng euro: vay với lãi suất thấp kỷ lục và tránh được rắc rối ở khu vực Địa Trung Hải. Nhưng ngay cả từ trước khi François Hollande trở thành tổng thống đảng Xã hội đầu tiên của Pháp kể từ Mitterand, Pháp đã nhường Đức vai trò lãnh đạo khủng hoảng euro. Giờ đây kinh tế Pháp cũng có vẻ càng dễ bị tổn thương.

Pháp vẫn có nhiều mặt tích cực: nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và xuất khẩu lớn thứ sáu thế giới. Trong nửa đầu năm 2012, số lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Pháp đứng thứ tư toàn cầu. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong vận chuyển và năng lượng, không hề đứng thứ hai…

Tuy nhiên, mặt yếu kém của Pháp cũng bị bóc trần từ khủng hoảng euro. Trong nhiều năm Pháp mất đi tính cạnh tranh trước Đức, và xu hướng này tăng lên khi người Đức cắt giảm chi tiêu và thúc đẩy cải cách to lớn.

Nếu không chọn giảm giá đồng tiền, Pháp phải cần đến chi tiêu và vay nợ công. Ngay cả khi các nước trong EU giảm vai trò khu vực công, Pháp lại tăng qui mô công gần 57% GDP, tỉ lệ cao nhất trong khối euro. Do không thể cân đối một ngân sách duy nhất từ 1981, nợ công đã tăng từ 22% GDP lúc đó lên trên 90% GDP hiện nay.

Không khí kinh doanh ở Pháp cũng xấu đi. Các công ty Pháp chịu nhiều qui định quá cứng nhắc trên thị trường lao động và hàng hóa, đặc biệt là thuế cao và chi phí xã hội tính vào lương nhiều nhất khu vực euro. Không có gì ngạc nhiên khi Pháp ít có công ty mới, trong khi số lượng công ty cỡ vừa và nhỏ - động cơ tăng trưởng việc làm ngày nay – cũng ít hơn Đức, Anh hay Ý.

Nền kinh tế Pháp trì trệ, có thể rơi vào suy thoái trong quí này và khó tăng trưởng vào năm sau. Trên 10% lực lượng lao động và trên 25% giới trẻ bị thất nghiệp. Thâm hụt tài khoản vãng lai ngoại tệ (external current account deficit) chuyển từ mức thặng dư nhỏ vào năm 1999 sang một trong những ngân sách thâm hụt lớn nhất euro.

Hollande đối mặt thách thức

Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, số lượng người thất nghiệp ở Pháp vượt quá 3 triệu người
Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, số lượng người thất nghiệp ở Pháp vượt quá 3 triệu người.

Hollande có thể cải cách nước Pháp bởi tính cách táo bạo và đủ lòng can đảm. Đảng của ông nắm cơ quan lập pháp và gần như ở tất cả các lĩnh vực. Một đảng cánh tả bao giờ cũng giỏi hơn cánh hữu khi thuyết phục các nghiệp đoàn chấp nhận thay đổi.

Hollande thừa nhận nước Pháp thiếu tính cạnh tranh, và gần đây hứa hẹn nhiều thay đổi theo đề xuất của giới doanh nhân, kể cả giảm chi phí phúc lợi xã hội cho các công ty. Tuần rồi, thậm chí Hollande còn nói về phạm vi quá lớn của khu vực công.

Nhưng so với mức độ nghiêm trọng của những vấn đề kinh tế, ông Hollande xem ra chưa đủ năng nổ.

Tại sao doanh nghiệp tin ông khi môi trường đầu tư không cải thiện, cho dù Hollande đã thúc đẩy một loạt biện pháp kiểu cánh tả, kể cả tăng thuế thu nhập cao lên 75%, thuế tài sản công ty, thuế trên thặng dư vốn và cổ tức, tăng lương tối thiểu và giảm bớt tuổi hưu? Không lạ khi rất nhiều doanh nhân tương lai đang bàn chuyện rời khỏi nước Pháp.

Các chính phủ châu Âu đã thực hiện những đổi mới lớn lao bởi vì họ hiểu rõ khủng hoảng, bởi vì cử tri cho rằng không có chọn lựa khác và bởi vì các lãnh đạo chính trị tin chắc thay đổi là điều hiển nhiên. Tổng thống Hollande hay nước Pháp không giống như vậy.

Trong chiến dịch tranh cử, ứng viên Hollande hiếm khi đề cập nhu cầu cải cách kinh doanh, thay vào đó là tập trung chấm dứt thắt chặt. Đảng Xã hội của Hollande không được hiện đại hóa, và từ khi Hollande lên tiếng cảnh báo về tính cạnh tranh của Pháp, tỉ lệ người dân yêu thích Hollande đã giảm.

Tệ hơn nữa, Pháp đang nhắm đến một mục tiêu di động. Tất cả các nước khu vực euro đang có những đổi mới về cơ cấu, và phần lớn là nhanh hơn và mở rộng hơn nước Pháp. IMF gần đây cảnh báo là Pháp có nguy cơ bị Ý và Tây Ban Nha bỏ lại đằng sau.

Định đoạt số phận euro

Cái bị đe dọa không chỉ là tương lai nước Pháp, mà còn là tương lai euro. Hollande đã chỉ trích Angela Merkel là quá mạnh tay thắt chặt, nhưng lại do dự khi cần hợp nhất chính trị để giải quyết khủng hoảng euro.

Phải có sự kiểm soát qui mô châu Âu đối với các chính sách kinh tế trong nước. Nhưng cả tầng lớp lãnh đạo và cử tri đều chưa chuẩn bị để chuyển đổi nhiều chủ quyền hơn, đúng y như kiểu không chuẩn bị cho cải cách cơ cấu sâu rộng.

Trong khi phần lớn các nước bàn cãi là sẽ phải từ bỏ bao nhiêu chủ quyền, thì Pháp nhất định tránh né tranh cãi về tương lai châu Âu.

Nếu ông Hollande không chứng tỏ là thật lòng muốn thay đổi con đường mà nước Pháp đã đi trong 30 năm qua, Pháp sẽ đánh mất lòng tin nhà đầu tư. Cảm nhận trên các thị trường có thể nhanh chóng thay đổi.

Khủng hoảng có thể tác động từ đầu năm sau. Những thay đổi đột ngột trước đây của đồng euro thường bắt đầu ở đâu đó chỉ để chấm dứt bằng cách nhấn chìm nước Pháp.

Và lần này cũng vậy, Pháp có thể là nơi định đoạt số phận euro, hơn là Ý hay Tây Ban Nha. Hollande không còn nhiều thời gian để tháo gỡ quả bom hẹn giờ giữa lòng châu Âu.

Theo Võ Phương
ECONOMIST, GUARDIAN/ sgtt.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG