Phát hiện hành tinh có thể có sự sống

Kích thước hành tinh K2-18b (giữa) so với Trái đất (trái) và Mộc tinh (phải). Đồ họa: PA Graphic.
Kích thước hành tinh K2-18b (giữa) so với Trái đất (trái) và Mộc tinh (phải). Đồ họa: PA Graphic.
TPO - Lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện hơi nước trên hành tinh Exoplanet K2-18b – nơi có điều kiện nhiệt độ phù hợp với sự sống, gần như Trái đất thứ hai.

K2-18b nằm ngoài hệ Mặt trời, gấp đôi kích thước Trái đất với khối lượng gấp 8 lần, bay quanh một sao lùn đỏ trong chòm sao Leo, cách chúng ta 110 năm ánh sáng và có nhiệt độ thấp so với các ngôi sao khác.

 Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng hơi nước khi họ đưa dữ liệu (NASA có được thông qua kính thiên văn Hubble) vào một thuật toán nguồn mở mà họ phát triển để phân tích các hành tinh xa xôi. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 11/9.

 Hơi nước được tìm thấy trong bầu khí quyển của các hành tinh khác nhưng đây là lần đầu tiên hơi nước được phát hiện ở khu vực có thể sinh sống được. Nhiệt độ ở khu vực này không quá cao, không quá thấp.

 Người ta cần thêm dữ liệu để xác định loại mây bao phủ K2-18b, có bao nhiêu nước trong khí quyển và liệu nước có đang hình thành trên bề mặt hình tinh này giống như trên Trái đất hay không.

Hoàn toàn có thể đây là thủy giới”, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu, bà Giovanna Tinetti (giáo sư thiên văn học Đại học London, Anh), nhận định. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định sự tồn tại của đại dương trên hành tinh này.

 Ước tính, nhiệt độ trên K2-18b vào khoảng âm 73 độ C (ban đêm) và 66 độ C (ban ngày). Sự chênh lệch nhiệt độ là lớn nhưng không quá xa mức nhiệt ở trên Trái đất.

“Tuy nhiên, hành tinh này không phải là Trái đất thứ hai… Điều kiện thời tiết trên đó khắc nghiệt hơn trên Trái đất”, Angelos Tsiaras, nhà nghiên cứu tại Đại học London, nói.

Việc nghiên cứu ánh sao vụt qua khí quyển hành tinh này cũng cho thấy có sự hiện diện của khí hydrogen và helium.

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu xem liệu có các phân tử liên kết gần gũi với sự sống mà con người từng biết hay không, như nitrogen hay methane chẳng hạn.

Các nhà nghiên cứu đang đặt hy vọng vào kính thiên văn James Webb vì kính này sẽ mạnh hơn rất nhiều so với Hubble. James Webb có thể đem lại cái nhìn rõ hơn về những gì đang diễn ra trên các hành tinh xa xôi.

“Phát hiện của chúng tôi khiến K2-18b trở thành một trong những mục tiêu nghiên cứu thú vị nhất”, bà Tinetti nói.

MỚI - NÓNG