Phát ngôn ấn tượng của các lãnh đạo thế giới

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty
TP - Năm 2015 đã khép lại, nhưng nhiều sự kiện nóng cùng phát ngôn liên quan của các nhà lãnh đạo thế giới vẫn không nguội đi, thậm chí còn tăng nhiệt.

Biến đổi khí hậu

Tháng 12/2015, lãnh đạo 196 nước trên thế giới nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ba nội dung chính của thỏa thuận lịch sử này là: Ðạt mức phát thải lớn nhất càng sớm càng tốt rồi giảm mức phát thải vào nửa sau của thế kỷ 21; Giữ nhiệt độ toàn cầu tăng thêm không quá 2 độ C, nỗ lực giới hạn mức tăng thêm chỉ 1,5 độ C; Ðến năm 2020, mỗi năm cung cấp 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục trong tương lai. Trước và sau khi diễn ra Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) ở Paris, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã có những phát ngôn mạnh mẽ về hiểm họa biến đổi khí hậu đang lơ lửng trên đầu mọi quốc gia.

-Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon: “Chúng ta là thế hệ đầu tiên có khả năng chấm dứt đói nghèo. Và chúng ta là thế hệ cuối cùng có thể áp dụng các biện pháp để tránh các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Các thế hệ tương lai sẽ nghiêm khắc phán xét chúng ta, nếu chúng ta không duy trì các trách nhiệm lịch sử và đạo đức”.

-Giáo hoàng Francis: “Sự bạo lực tồn tại trong trái tim con người cũng biểu lộ trong các triệu chứng bệnh tật mà chúng ta nhìn thấy trong đất, nước, không khí và cơ thể sống… Trái đất, ngôi nhà của chúng ta, bắt đầu trông ngày càng giống đống rác khổng lồ”.

 Phát ngôn ấn tượng của các lãnh đạo thế giới ảnh 1

Giáo hoàng Francis. Ảnh: NYT

-Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Chúng ta nên có cái nhìn rộng hơn về biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể làm dịu vấn đề này trong khoảng thời gian nào đó, bằng cách áp đặt chỉ tiêu phát thải có hại hoặc bằng các biện pháp khác chỉ mang tính chiến thuật. Nhưng chúng ta sẽ không giải quyết vấn đề theo cách đó”.

-Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Bất kỳ nhà lãnh đạo nào không quan tâm vấn đề biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc hoặc coi đó là chuyện đùa thì đều không xứng làm lãnh đạo… Biến đổi khí hậu giờ không còn là vấn đề xa xôi. Nó đang diễn ra ngay ở đây, nó đang diễn ra ngay lúc này”.

 Phát ngôn ấn tượng của các lãnh đạo thế giới ảnh 2 Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Getty

-Tổng thống Pháp Francois Hollande: “Con người là kẻ thù tồi tệ nhất của con người. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua chủ nghĩa khủng bố. Nhưng chúng ta cũng có thể nói tương tự về khí hậu. Con người đang tàn phá tự nhiên, hủy hoại môi trường… Chúng ta có một sứ mệnh duy nhất: bảo vệ và chuyển giao hành tinh này cho thế hệ tiếp theo… Nhân loại từng nghĩ rằng, chúng ta có thể ích kỷ dựa vào các nguồn tài nguyên không tái tạo. Giờ đây, chúng ta biết rằng, thế giới không phải là hàng hóa”.

-Thủ tướng Ðức Angela Merkel: “Giờ đây, chúng ta phải nhất trí về một cơ chế xem xét có tính ràng buộc pháp lý theo luật pháp quốc tế. Có như thế, chúng ta mới có thể tự tin gọi thế kỷ này là thế kỷ khử carbon”.

-Thủ tướng Anh David Cameron: “Anh đã xác định rõ là giữ vai trò của mình, không chỉ bằng cách cắt giảm khí thải ở trong nước mà còn cung cấp viện trợ cho nước ngoài, cho những người cần, đặc biệt là những người nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất”.

-Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi: “Công lý khí hậu đã chiến thắng và tất cả chúng ta đang làm việc vì một tương lai xanh hơn… Ðể đối phó biến đổi khí hậu, điều quan trọng là tập trung vào các giải pháp có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình”.

- Anote Tong - Tổng thống quốc đảo Kiribati (nằm ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương): “Ðiều chúng ta đang nói đến là sự sinh tồn, không phải là phát triển kinh tế… Ðó không phải là chính trị, đó là sự sinh tồn”.

-Tony de Brum - Ngoại trưởng Cộng hòa Quần đảo Marshall (nằm ở phía tây Thái Bình Dương): “Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm quá 2 độ C thì đất nước chúng tôi sẽ biến mất. Khi điều đó xảy ra, chúng tôi ở dưới mặt nước”.

Phòng chống khủng bố

Tháng 11/2015, truyền thông thế giới trích dẫn một phóng viên truyền hình Nga cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng phát ngôn: “Tha thứ cho những kẻ khủng bố hay không là quyết định của Chúa, nhưng đưa chúng đến với ngài là trách nhiệm của tôi”. Phát ngôn này thực tế không phải của ông Putin, nhưng ông chủ điện Kremlin cũng có những lời mạnh mẽ về phòng chống khủng bố, thể hiện rõ trong thông điệp liên bang hôm 3/12/2015.

-Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Cần phải gạt sang một bên mọi tranh chấp, bất đồng để hình thành một nắm đấm cực mạnh, một mặt trận chống khủng bố thống nhất hoạt động trên cơ sở luật pháp quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc… Không được dành bất kỳ nơi trú ẩn nào cho khủng bố. Không được có bất kỳ tiêu chuẩn kép nào. Không được có bất kỳ sự tiếp sức nào cho khủng bố. Không được có bất kỳ mưu toan nào lợi dụng bọn khủng bố cho mục tiêu của mình. Không được có bất kỳ hoạt động kinh doanh tội lỗi đẫm máu nào với bọn khủng bố… Chúng ta phải kiên quyết chống lại bất kỳ biểu hiện nào của chủ nghĩa cực đoan và bài ngoại, phải gìn giữ sự hòa hợp giữa các dân tộc và các tôn giáo…”.

Ngày 2/12/2015, một cặp vợ chồng xả súng tại một trung tâm dịch vụ xã hội ở bang California (Mỹ), khiến 14 người chết, 21 người bị thương. Sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu với cả nước Mỹ, phát đi từ Phòng Bầu dục. Ðây là lần thứ 3 ông làm vậy kể từ khi lên nắm quyền (năm 2009).

-Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Chúng ta sẽ phá hủy IS và bất kỳ tổ chức nào khác cố làm tổn hại chúng ta… Quân đội chúng ta sẽ tiếp tục săn lùng những kẻ âm mưu khủng bố ở bất kỳ nước nào nếu cần thiết… IS không phải đại diện cho Hồi giáo. Chúng chỉ là những kẻ ác ôn và giết người. Là một phần của sự sùng bái cái chết. Chúng ta không thể chống đối lẫn nhau bằng cách để cho trận chiến này được định nghĩa là cuộc chiến giữa nước Mỹ và Hồi giáo. Ðó chính là những nhóm như IS muốn. Nếu chúng ta muốn thành công trong việc đánh bại chủ nghĩa khủng bố, chúng ta phải có được cộng đồng Hồi giáo với tư cách là một trong số đồng minh mạnh nhất của chúng ta, thay vì đẩy họ ra xa thông qua sự nghi ngờ và thù hận… Một hệ tư tưởng cực đoan đã lan tràn trong một số cộng đồng Hồi giáo. Ðó là một vấn đề thực sự mà người Hồi giáo chắc chắn phải đương đầu. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở đây và khắp nơi trên thế giới phải tiếp tục làm việc với chúng ta để kiên quyết bác bỏ hệ tư tưởng thù hận mà các nhóm như IS, al-Qaeda quảng bá… Trách nhiệm của các tín đồ Hồi giáo khắp thế giới là loại bỏ tận gốc những ý tưởng sai lạc dẫn tới sự cực đoan hóa. Trách nhiệm của tất cả người Mỹ, thuộc mọi tín ngưỡng, tôn giáo là loại bỏ sự phân biệt đối xử…”.

MỚI - NÓNG