Phát ngôn bạo miệng của Donald Trump bắt đầu phản chủ

Ông Donald Trump thường xuyên đưa ra các tuyên bố gây sốc về chính sách đối ngoại. Ảnh: AFP
Ông Donald Trump thường xuyên đưa ra các tuyên bố gây sốc về chính sách đối ngoại. Ảnh: AFP
Các phát ngôn hùng hồn, gây tranh cãi của tỷ phú Trump đang bộc lộ những yếu kém trong nhận thức đối ngoại của ứng viên tổng thống Mỹ này.

Cách đây hơn hai tuần, Donald Trump gây xôn xao dư luận Mỹ khi tuyên bố có thể chấp nhận để Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành quốc gia hạt nhân nếu điều đó giúp những nước này có thể tự bảo vệ mình trước Triều Tiên mà không cần Mỹ hỗ trợ.

"Tôi không nghĩ đó là một chuyện không hay đối với chúng ta", New York Times dẫn lời ông Trump.

Tỷ phú Trump đến nay lại thay đổi giọng điệu. Sau khi giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản bày tỏ lo ngại về kịch bản xảy ra chạy đua vũ trang ở châu Á, đồng thời Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng công kích bình luận của Trump, ông giờ đây nói mình không thực sự muốn hai nước trên sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng do sự yếu đuối của Mỹ, "đến một lúc nào đó điều này cũng sẽ xảy ra".

Trong một cuộc tranh luận hồi tháng trước, ông Trump tuyên bố ủng hộ biện pháp tra tấn nếu nó hữu ích trong việc lấy thông tin từ những kẻ khủng bố. Nhưng ông sau đó lại nói mình sẽ tôn trọng pháp luật và luật pháp cần phải thay đổi.

Tại một buổi phỏng vấn phát sóng trên truyền hình hôm 30/3, ông cho rằng những phụ nữ phá thai chui cần phải đối diện với "một dạng trừng phạt nào đó". Nhưng không lâu sau, ông lại đảo ngược quan điểm với một thông cáo đầy thận trọng về ngôn từ, cho rằng nạo phá thai là hợp pháp.

Giới chuyên gia nhận định phong cách vận động tranh cử theo bản năng nhiều hơn lý trí này đang khiến ông Trump bắt đầu hứng chịu hậu quả. Các đối thủ gọi ông là kẻ thiếu thận trọng và không phù hợp cho vị trí tổng tư lệnh nước Mỹ. Ngay cả Tổng thống Obama cũng nói Trump "không biết gì nhiều về chính sách đối ngoại, hoặc bán đảo Triều Tiên, hay thế giới nói chung".

Các cộng sự trong khi đó cho biết ông Trump vẫn đang xây dựng một đội ngũ cố vấn chính sách đối ngoại hùng hậu.

Hứng chịu công kích

Khi Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân diễn ra hồi đầu tháng, ông Obama thêm một lần nữa khai thác tuyên bố bất cẩn của Trump khi cho hay một số nhà lãnh đạo nước ngoài đã kín đáo hỏi ông rằng liệu tỷ phú Trump có thực sự nghiêm túc trong việc rút khỏi các liên minh lâu đời hay sẽ mặc cả về quan hệ đồng minh đó.

Quả thực, một số nhà lãnh đạo nước ngoài khi tới Washington dự hội nghị đã hỏi dồn các quan chức Mỹ cùng phóng viên về việc ông Trump sẽ làm gì nếu thực sự đắc cử tổng thống.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Trump đưa ra tuyên bố muốn Nhật Bản và Hàn Quốc tự phát triển kho vũ khí hạt nhân. Ban đầu, trong cuộc phỏng vấn với New York Times, ứng viên này khẳng định để ngỏ khả năng vũ trang hạt nhân cho hai quốc gia trên.

Tỷ phú bất động sản còn mạnh miệng tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu các thành viên đến từ châu Âu trong khối không chia sẻ nhiều hơn gánh nặng chi phí.

"Nếu điều đó khiến NATO tan rã thì nó sẽ là như vậy", ông Trump nói trong sự kiện vận động tranh cử tại thành phố Racine, bang Wisconsin.

Khi vấp phải sự phản đối từ giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Trump dường như nhận ra rằng ý tưởng để hai quốc gia trên tự bảo vệ mình trước mối đe dọa từ Triều Tiên đã đi ngược lại một mục tiêu khác do chính ông đặt ra là chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia về kiểm soát vũ khí chỉ ra rằng nếu Tokyo và Seoul sở hữu vũ khí hạt nhân, họ sẽ vi phạm các cam kết trong Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân.

Điều khiến những tuyên bố của Donald Trump gây tranh cãi là toàn bộ các quy tắc nền tảng đối với an ninh đều bị ông đưa ra tranh luận. Trong vòng 60 năm qua, không ứng viên tranh cử tổng thống chủ chốt nào của Mỹ đề cập đến việc tăng số quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, vốn vẫn đang ở con số 9, quan sát viên Maggie Haberman và David E.Sanger từ New York Times bình luận.

"Ông ta không hiểu rằng ngoại giao không đơn thuần chỉ là thế giới một bên mất một bên còn của những bất động sản thương mại, khách sạn hay sân golf",  Nicholas Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ, nhận xét.

"Các đồng minh giúp khuếch đại sức mạnh của chúng ta", ông Burns nói. "Các liên minh xuyên Đại Tây Dương và châu Á mang đến cho ta lợi thế lớn về sức mạnh so với Trung Quốc và Nga".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG