Phát triển bền vững từ một cốc nước sạch

Phát triển bền vững từ một cốc nước sạch
TP - “Tăng trưởng kinh tế rất quan trọng với Việt Nam, nhưng Chính phủ cũng cần quan tâm hơn nữa tới yếu tố phát triển con người, có khi đơn giản chỉ là một cốc nước sạch”.

Với cách nói ví von hình ảnh này, Trưởng đại diện các cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam ông John Hendra muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững với Việt Nam bởi vì mục đích cuối cùng của tăng trưởng kinh tế cũng là để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Theo ông John Hendra, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với việc gia nhập WTO và đây là cơ hội vươn ra thị trường nước ngoài, thu hút đầu tư để sớm đạt mục tiêu trở thành nước trung bình.

Khẳng định Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế với Hội nghị cấp cao APEC, nhưng  ông John Hendra ấn tượng hơn về chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong buổi lễ công bố Báo cáo Phát triển con người của LHQ ngày 10/11/2006. Mặc dù Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thấp - 109 trên tổng số 177 nước được xếp hạng về chỉ số HDI - nhưng cao hơn so với nhiều nước giàu có hơn.

Trưởng đại diện LHQ cho rằng, để có được điều đó là nhờ vào những thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.

Báo cáo Phát triển con người 2006 của LHQ tập trung vào vai trò của nước sạch và vệ sinh đối với con người, những vấn đề nóng bỏng nhưng đang bị xem nhẹ.

Ông John Hendra đưa ra dẫn chứng về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh như số người tử vong trung bình vì bệnh tiêu chảy hàng năm gấp 6 lần so với số người chết vì chiến tranh xung đột trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường từ năm 1999 giúp 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và các tiêu chí về vệ sinh cũng được nâng cao.

Ông John Hendra cam kết LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề nước sạch, vệ sinh nói riêng và các tiêu chí khác để nâng cao hơn nữa chỉ số HDI của Việt Nam trong những năm tới.

“Cốc nước sạch” vì thế cũng có ý nghĩa không kém các chương trình phát triển kinh tế hậu WTO. Mặc dù Việt Nam đã đạt được thành tựu trong việc thực hiện các tiêu chí cơ bản của chỉ số HDI như sống khỏe, sống lâu; tỷ lệ biết chữ; mức sống tốt…, Trưởng đại diện LHQ tiếp tục kêu gọi Chính phủ quan tâm hơn nữa tới sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của người dân.

MỚI - NÓNG