Phép thử?

Phép thử?
TP - Quan hệ Trung-Nhật lại nổi sóng trong tuần này sau việc hai tàu ngư chính của Trung Quốc xâm nhập vùng Nhận Bản khẳng định là lãnh hải của mình tại khu vực gần quần đảo đang tranh chấp giữa hai nước vào sáng 24-8.

> Nhật Bản phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải

Trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố từ chức (ngày 26-8) và cuộc đua giành chiếc ghế Thủ tướng đang nóng lên tại xứ anh đào, báo chí Nhật Bản cho rằng hành động xâm phạm của Trung Quốc có thể nhằm gửi thông điệp tới cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara, ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản và cũng là người có chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh.

Một nguồn tin liên quan tới quan hệ Nhật-Trung cho biết hành động xâm nhập này có thể được coi là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm “nhắc nhở” Nhật Bản về sự căng thẳng trong quan hệ song phương liên quan vụ va chạm giữa tàu đánh cá của Trung Quốc và hai tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) hồi tháng 9-2010. Khi đó, ông Maehara đang giữ chức Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, cơ quan chủ quản của JCG. Mười ngày sau đó, chính trị gia này được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng trong cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng Kan.

Kể từ sau vụ va chạm này, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực khẳng định sự kiểm soát đối với quần đảo tranh chấp với Nhật Bản bằng cách cử các tàu tuần ngư liên tục tuần tra các vùng biển gần đó. Tính từ đó đến nay, tàu tuần tra Trung Quốc đã 12 lần tiếp cận quần đảo Senkaku của Nhật Bản (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nhưng đây là vụ xâm nhập lãnh hải đầu tiên dẫn tới việc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cùng trong ngày 24-8 đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối.

Các nhà quan sát cho rằng hành động mới nhất của Trung Quốc cho thấy họ muốn thử thách đường lối đối ngoại của đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền (DPJ) trước khi đảng này bỏ phiếu bầu chủ tịch mới để thay thế Thủ tướng Naoto Kan. Tuy nhiên, nhìn rộng ra có thể thấy quyết tâm của Trung Quốc nhằm thâu tóm các lợi ích trên biển đang thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Tại Biển Đông, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh yêu sách và tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines và một số nước khác. Đi đầu trong các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với Biển Đông là các tàu đánh cá được bảo vệ bởi các tàu tuần ngư. Theo các chuyên gia phân tích, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thực thi các chiến thuật tương tự đối với Nhật Bản vì nước này đang kiên trì thực hiện các nỗ lực nhằm có ảnh hưởng lớn hơn ở biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG