Phỉ báng đạo Hồi, một blogger bị đánh 1.000 roi

Raif Badawi và các con.
Raif Badawi và các con.
Hôm 7/6 vừa qua, Tòa án Tối cao Arập Xêút đã tuyên bố giữ nguyên bản án 10 năm tù và hình phạt đánh 1.000 roi đối với blogger Raif Badawi vì tội phỉ báng đạo Hồi. Phán quyết cuối cùng được công bố bất chấp sự chỉ trích và phản đối quyết liệt từ Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Canada và nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).

Ensaf Haidar, vợ của blogger, phát biểu với báo chí hôm 7/6: "Đây là quyết định cuối cùng và không thể hủy bỏ. Phán quyết là cú sốc khủng khiếp đối với tôi". 

Raif Badawi là người đồng sáng lập diễn đàn trực tuyến "Mạng Tự do Saudi" (nay đã ngưng hoạt động) năm 2008, tổ chức tranh luận về các vấn đề liên quan đến tôn giáo và chính trị ở Arập Xêút. Tháng 6/2012, Badawi bị cảnh sát tôn giáo Arập Xêút bắt giữ tại thành phố Jeddah và bị buộc tội "phỉ báng đạo Hồi thông qua các kênh điện tử".

Năm 2013, Raif Badawi Raif bị tuyên án 7 năm tù và trừng phạt 600 roi vì tội vi phạm Luật công nghệ Arập Xêút và phỉ báng những nhân vật đạo Hồi cao cấp thông qua blog do anh tạo ra. Năm 2014, sau khi kháng án, Tòa án hình sự ở Jeddah đã  tăng mức phạt tù lên đến 10 năm và trừng phạt 1.000 roi, đồng thời bị cấm du hành ra nước ngoài trong 10 năm sau khi mãn hạn tù và đóng phạt 1 triệu riyal (khoảng 266.500USD)!

Hôm 9/1, trước sự chứng kiến của hàng trăm người, Badawi đã bị trừng phạt 50 roi đầu tiên trong số 1.000 roi (phải được thực hiện trong vòng hơn 20 tuần liên tục, mỗi tuần 50 roi, theo phán quyết tòa án) bên ngoài một thánh đường Hồi giáo ở thành phố Jeddah. Nhưng những trận đòn trừng phạt sau đó bị trì hoãn nhiều lần do vấn đề sức khỏe cũng như những vết thương do đòn roi của Badawi chưa lành hẳn. Các đồng minh phương Tây của Arập Xêút, bao gồm Washington, lên tiếng kêu gọi chính quyền nước này hủy bỏ lệnh trừng phạt bằng roi.

Nhưng Arập Xêút luôn nghiêm chỉnh thực thi luật Hồi giáo hà khắc và không hề khoan dung cho những đối thủ chính trị, bất chấp sức ép của quốc tế. Arập Xêút cũng có tỷ lệ người dùng mạng xã hội thuộc hàng cao nhất trong khu vực, đồng thời cũng là quốc gia áp đặt những lệnh trừng phạt tàn nhẫn cũng như đàn áp không nương tay những người chỉ trích trực tuyến trong nước.

Hiện nay, những bài viết của Raif Badawi được dịch sang tiếng Đức và xuất bản thành sách (phát hành hôm 1/4/2015) với tựa đề: "1.000 Peitscheinhiebe - Weil Ich Sage, Was Ich Denke" (theo bản dịch tiếng Anh là: "1.000 roi - Bởi vì tôi nói những điều tôi nghĩ") và tiếp tục được dịch sang bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International, AI) phê bình gay gắt quyết định cuối cùng của Tòa án tối cao Arập Xêút đối với nhà hoạt động tự do ngôn luận Raif Badawi là "ghê tởm" đồng thời mô tả đó là "ngày đen tối cho tự do thể hiện quan điểm". 

Phỉ báng đạo Hồi, một blogger bị đánh 1.000 roi ảnh 1

Biểu tình đòi thả Raif Badawi ở thủ đô Ottawa, Canada, tháng 1/2015.

Tuy nhiên, Raif Badawi vẫn còn hy vọng cuối cùng là lệnh ân xá từ tân Quốc vương Salman - nhân vật được cộng đồng quốc tế đánh giá là có tư tưởng cải cách. Ensaf Haidar, vợ của blogger Badawi, cũng hy vọng: "Tôi lạc quan khi tháng chay Ramadan sắp đến và sự đăng quang của tân Quốc vương sẽ mang đến lệnh ân xá cho những tù nhân hành động vì lương tâm, trong đó có chồng tôi". Sau khi Raif Badawi bị bắt giữ, một thẩm phán đã ra lệnh "đóng cửa" ngay lập tức "Mạng Tự do Saudi" do đã chỉ trích kịch liệt lực lượng cảnh sát tôn giáo nổi tiếng khắt khe của Arập Xêút.

Ngay đến Walid Abulkhair - luật sư của Badawi và là nhà hoạt động nhân quyền - cũng bị bắt giam. Quốc tế càng thêm ủng hộ Badawi và Abulkhair sau khi họ được Karin Andersen - thành viên Nghị viện Na Uy - đề cử giải Nobel Hòa bình 2015. Những người ủng hộ Badawi đã mở chiến dịch trên Twitter và đưa lên loạt hình ảnh những tấm lưng tô son môi màu đỏ. Tháng 3/2015, chính quyền Arập Xêút bác bỏ chỉ trích về hình phạt đánh roi đối với Badawi và lên án chiến dịch truyền thông xung quanh vụ án.

Trong bức thư gửi từ nhà tù (được tờ Der Spiegel của Đức công bố), Badawi mô tả anh đã may mắn "sống sót một cách diệu kỳ sau 50 nhát roi" như thế nào. Qua bức thư, Badawi cho biết anh nhớ lại mình "bị bao quanh bởi đám đông phấn khích, không ngừng la hét cổ vũ “Allahu Akbar” (Thượng đế vĩ đại) trong suốt trận đòn roi". Badawi viết: "Tôi phải chịu đựng sự độc ác xảy ra cho tôi vì tôi thể hiện quan điểm của mình".

Vợ của Badawi và 3 đứa con của họ hiện đang tị nạn tại tỉnh Quebec miền Đông Canada. Tháng 3/2015, Bộ trưởng Nhập cư Canada Kathleen Weil tuyên bố chính quyền nước này vẫn sẽ "tiếp tục bảo vệ cho Raif Badawi", đồng thời tuyên bố đây là "vụ án vi phạm nhân quyền quá trắng trợn" của Arập Xêút.

Đại sứ Arập Xêút ở Canada - Naif Bin Bandar al-Sudairi - cũng đã chính thức lên tiếng phàn nàn về tuyên bố của bà Kathleen Weil. Đại sứ Arập Xêút viết trong bức thư gửi đến chính quyền Canada: "Vương quốc chúng tôi không chấp nhận bất cứ hình thức can thiệp các vấn đề nội bộ nào và không chấp nhận sự tấn công vào tính độc lập của hệ thống tư pháp vương quốc".

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG