Phía sau thảm họa đại động đất ở Nepal

TPO - Trận động đất 7,8 độ richter vào ngày 25/4 ở Nepal khiến 7.276 người thiệt mạng và hơn 14.300 bị thương. Đây được coi là thảm họa tồi tệ nhất tại Nepal trong hơn 80 năm qua. Nhưng đằng sau đó còn ẩn chứa những thảm họa khôn lường khác.

Thiệt hại tiếp tục gia tăng 


Cảnh sát và các tình nguyện viên Nepal vừa tìm thấy thi thể của khoảng 100 khách bộ hành và dân làng bị chôn vùi trong một trận lở tuyết do ảnh hưởng của trận động đất tại làng Langtang, cách 60km về phía bắc thủ đô Kathmandu, trên một con đường leo núi phổ biến với người phương Tây. 

Theo nhà chức trách Nepal, toàn bộ ngôi làng, trong đó có 55 nhà nghỉ cho khách bộ hành đã bị phá hủy do trận lở tuyết.

Gautam Rimal, một quan chức huyện Rasuwa cho biết: “Các tình nguyện viên và cảnh sát đã phải đào qua khoảng 1,8m tuyết để đưa những thi thể này lên”.

Trong số những nạn nhân có ít nhất là 7 người nước ngoài nhưng tới nay mới chỉ có 2 người được nhận dạng, ông Gautam Rimal cho biết thêm.

Hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu người có mặt tại làng Langtang lúc vụ lở tuyết xảy ra nhưng giới chức địa phương cho rằng, khoảng hơn 120 người có thể đã bị chôn sống dưới tuyết.

Trận động đất 7,8 độ richter vào ngày 25/4 ở Nepal khiến 7.276 người thiệt mạng và hơn 14.300 bị thương, theo con số thống kê của chính quyền Nepal tính đến thời điểm hiện tại.

Liên hiệp quốc cho biết hơn 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Nepal và ít nhất 2 triệu người đã bị thất tán.

Chi phi để tái thiết Nepal dự tính khoảng 5 tỷ đôla.

Cảnh báo lũ lụt, sạt lở ở Nepal

Trong khi công cuộc cứu trợ, khắc phục thảm họa động đất đang gấp rút được triển khai, thì một tin dự báo của Tiến sĩ Robert Parker, nhà nghiên cứu tại khoa Trái Đất và khoa học Hải dương, Đại học Cardiff, Anh có thể khiến nhiều người thêm cám cảnh cho Nepal.

TS. Robert Parker cảnh báo trận động đất  dư chấn ở Nepal có thể kéo theo hàng nghìn vụ sạt lở đất, tan chảy hồ băng dẫn đến lũ lụt trong tương lai gần.

Thảm họa động đất sẽ kéo theo lũ lụt, sạt lở ở Nepal
ảnh minh họa

Theo Tiến sĩ Robert Parker có thông tin về sạt lở đất tại một số khu vực, bao gồm huyện Gorkha, tâm chấn, nhưng họ vẫn chưa có một cái nhìn hoàn chỉnh về tình hình sạt lở trong toàn khu vực. 

Các ngôi làng ở khu vực Langtang, phía tây thủ đô Khathmandu đã bị chôn vùi dưới các lớp đất lở. Những ngôi làng ở trên núi trượt sâu xuống các sườn dốc. Các chuyên gia cũng nói rằng đã có nhiều trận sạt lở ở Tây Tạng, dọc biên giới Nepal, sau trận động đất vừa qua.

Những hình ảnh vệ tinh cũng không cho thấy được hết nguy cơ và tình hình sạt lở đất do khu vực này đang bị lớp mây dày đặc che khuất.

Phía sau thảm họa đại động đất ở Nepal ảnh 2
Động đất ở Nepal có thể gây ra lũ. (Đồ hoạ: BBC)

"Trận động đất lớn ở vùng núi thường để lại rất nhiều trận sạt lở đất về sau, tùy thuộc vào nhiều loại điều kiện tự nhiên mà một phần chúng ta vẫn chưa lý giải được", Giáo sư Dave Petley thuộc Đại học East Anglia, người từng dành 15 năm nghiên cứu về sạt lở đất tại Nepal, cho biết.

Động đất, lở tuyết cũng ảnh hưởng đến những hồ băng tại khu vực Everest. Các chấn động có thể làm suy yếu trầm tích của các hồ hoặc làm bong lớp bề mặt sông băng bên trên, gây ra những trận sạt lở lớn trong tương lai. 

Nước lũ từ các hồ băng sẽ nhanh chóng nhấn chìm các nhà máy thủy điện và cơ sở hạ tầng khác. 

Khoảng 40 vụ vỡ hồ băng tại khu vực này vào thế kỷ trước ở các nước Nepal, Pakistan, Bhutan và Trung Quốc, theo Liên Hợp Quốc.

Kêu gọi giảm nợ cho Nepal

Nepal có gần 28 triệu dân và trước trận động đất tàn khốc này, kinh tế tăng trưởng với tỷ lệ trên 5% một năm - theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Sự thiệt hại nhân mạng và những hư hại đường xá, nhà cửa và các cơ sở hạ tầng khác trên diện rộng dường như có phần chắc sẽ gây phương hại cho tăng trưởng. Thu nhập trung bình của người dân chỉ ở mức 730 đôla một năm và 1/4 dân Nepal sống trong tình trạng nghèo khó.

Hàng năm, Nepal phải hoàn trả 220 triệu đôla cho các nhà cho vay quốc tế. Tổng giám đốc Jubilee Network USA, một liên minh các nhóm cứu trợ và tôn giáo-  ông Eric Le Compte vừa lên tiếng kêu gọi Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á giảm nợ cho Nepal.

Chính phủ Nepal vừa yêu cầu các nhân viên cứu hộ nước ngoài ở thành phố Kathmandu trở về nước, khi công việc tại khu vực này đã hoàn thành và hy vọng người còn sống sót đã thành vô vọng. Tuy nhiên, công tác cứu hộ tại các làng và vùng núi hẻo lánh vẫn tiếp tục. Các tình nguyện viên nước ngoài có thể phối hợp với cảnh sát và quân đội địa phương ở những khu vực này.

MỚI - NÓNG