Phía sau việc Kosovo tuyên bố độc lập

Phía sau việc Kosovo tuyên bố độc lập
TP - Tối 17/2 (theo giờ Việt Nam) với sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước châu Âu, tỉnh Kosovo đã tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia và kỳ vọng sẽ chấm dứt một chương sử dài đẫm máu kể từ khi liên bang Nam Tư tan vỡ.

>> Phản ứng của thế giới trước tuyên bố độc lập của Kosovo

Phía sau việc Kosovo tuyên bố độc lập ảnh 1
 Một thanh niên phất cờ của Mỹ để chào mừng độc lập của Kosovo

Kosovo sẽ là “quốc gia” thứ 6 được tạo thành từ liên bang do người Serbia chiếm đa số kể từ năm 1991, sau khi Slovenia, Croatia, Macedonia, Bosnia và Mongtenegro thoát khỏi sự “đùm bọc” của Serbia.

Những ngày qua, người dân Kosovo, có tới 90% là cộng đồng người Albania, đã đổ ra đường chào mừng độc lập với nhiều hình thức khác nhau. Nguồn tin cấp cao cho biết, Mỹ và một số nước lớn ở châu Âu như Anh, Pháp sẽ công nhận Kosovo độc lập trong vòng 24 giờ.

“Hiến pháp và các biểu tượng quốc gia đã sẵn sàng…Chúng tôi phải tập trung cho tương lai”, Thủ tướng Hashim Thaci, người dẫn đầu cộng đồng Albania thực hiện cuộc chiến tranh du kích chống người Serbia trong một thập kỷ qua, tuyên bố. 

Tuy nhiên, Serbia và đồng minh là Nga luôn khẳng định sẽ không bao giờ công nhận Kosovo như một quốc gia độc lập. Với quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Nga đã lên tiếng cảnh báo Kosovo sẽ không bao giờ được trở thành một thành viên của LHQ cũng như bất kỳ tổ chức quốc tế nào nếu tỉnh này đơn phương tuyên bố độc lập.

Tổng thống Serbia Boris Tadic cũng tuyên bố trước HĐBA LHQ rằng đất nước ông sẽ không bao giờ công nhận Kosovo là quốc gia độc lập. Serbia bác bỏ khả năng dùng hành động quân sự để đáp trả việc Kosovo tuyên bố độc lập, nhưng cảnh báo sẽ xem xét lại mức độ quan hệ ngoại giao với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào công nhận Kosovo độc lập.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nền độc lập của Kosovo không được sự phê chuẩn của LHQ sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm tại những vùng đất xung đột, ly khai ở các nước cộng hoà từng trực thuộc Liên Xô và trên khắp thế giới.

Trên thực tế, HĐBA LHQ đã lâm vào thế bế tắc trong việc giải quyết vấn đề Kosovo với quan điểm trái ngược giữa Mỹ, EU với Nga. Ngay trong 27 thành viên EU cũng còn nhiều bất đồng trong việc công nhận Kosovo là quốc gia độc lập.

Kosovo bắt đầu nằm dưới sự quản lý của lực lượng LHQ từ năm 1999, khi chiến dịch đánh bom của NATO do Mỹ đứng đầu đã đánh đuổi quân đội Serbia ra khỏi tỉnh Kosovo. Cuộc xung đột giữa quân đội Serbia và những chiến binh ly khai người Albania ở Kosovo đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

Tháng 12/2007, các nhà lãnh đạo EU cam kết trợ giúp Kosovo cả chính trị, kinh tế, đặc biệt là việc sẽ tạo điều kiện cho Kosovo trở thành thành viên EU trong tương lai. Hai ngày trước khi Kosovo tuyên bố độc lập, EU đã đồng ý triển khai 2.000 cảnh sát và nhân viên tư pháp tới vùng Kosovo để trợ giúp trong thời kỳ chuyển tiếp kéo dài trong 120 ngày và dần thay thế lực lượng của LHQ.

Theo kế hoạch, một ngày sau khi Kosovo tuyên bố độc lập, các ngoại trưởng EU cũng có cuộc họp quan trọng để công nhận Kosovo như một quốc gia độc lập và bàn về tương lai của nước này.   

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.