Philippines: Đảo chính bất thành, nhiều quan chức cấp cao bị bắt

Philippines: Đảo chính bất thành, nhiều quan chức cấp cao bị bắt
TP - Việc Trung tướng Renato Miranda, tư lệnh lực lượng lính thủy đánh bộ Philippines, bị cách chức hôm 26/2 vì nghi ngờ liên quan đến âm mưu đảo chính khiến tình hình Philippines càng căng thẳng.
Philippines: Đảo chính bất thành, nhiều quan chức cấp cao bị bắt ảnh 1
Quân đội Philippines thắt chặt an ninh tối 26/2

Lực lượng quân đội bắt đầu bị chia rẽ khi một số sĩ quan phản đối việc chỉ huy của họ bị cách chức, không thừa nhận chỉ huy mới.

Kể từ ngày 24/2, khi Tổng thống Gloria Arroyo tuyên bố tình trạng khẩn cấp với lý do để ngăn chặn âm mưu đảo chính, diễn biến chính trị ở Philippines ngày càng khó đoán định.

Suốt 2 ngày nghỉ cuối tuần, Tổng thống Arroyo vẫn luôn được bảo vệ một cách cẩn mật. Lực lượng an ninh bố trí xung quanh dinh Tổng thống Malacanang luôn ở trong tình trạng cảnh giác cao độ cùng với hệ thống công ten nơ, dây thép gai, xe quân sự được dựng lên xung quanh làm hàng rào.

Tuy nhiên, các đường phố ở thủ đô Manila tương đối bình yên trong ngày Chủ nhật sau khi Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Dựa vào các quyền hiến pháp của mình, ngày 25/2, Tổng thống Arroyo lệnh cho quân đội đập tan âm mưu đảo chính. Ngay lập tức, nhà lập pháp cánh tả Crispin Beltran, hai sĩ quan quân đội về hưu bị bắt.

Cùng thời gian, cảnh sát tiến hành khám xét tờ Daily Tribune, phát hiện một số tài liệu, nhưng sau đó tờ báo vẫn được xuất bản. Hiện có ít nhất 3 sĩ quan quân đội và cảnh sát đang nằm trong tầm ngắm vì bị tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính.

Ngày 26/2, Chính phủ Philippines cảnh báo sẽ tiếp tục có thêm những vụ bắt bớ trong những ngày tới.

Hãng tin ABS-CBN (Philippines) cho biết cảnh sát đã lên danh sách 100 người tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính có thể bị bắt giữ, bao gồm cả cựu Thượng nghị sĩ Gregorio Honasan, người được xem như anh hùng trong cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Marcos.

Trong khi đó, một nhóm luật sư đại diện cho các nhà lãnh đạo đối lập có kế hoạch kiện lên Tòa án Tối cao vì cho rằng Tổng thống đã vi phạm Hiến pháp khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cấm người dân tụ tập biểu tình.

Luật sư Romeo Capulong cáo buộc rằng bà Arroyo đã lạm dụng quyền lực để bảo vệ ghế Tổng thống của mình. Nhà lập pháp Ted Casino cho biết đảng Bayan Muna của ông cũng sẽ đưa vấn đề này lên Tòa án tối cao.

Jose Sison, nhà lãnh đạo đang sống lưu vong ở nước ngoài, cũng kêu gọi tiến hành cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Arroyo.

Báo chí Philippines cho rằng Tổng thống nên rút lại lời tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì chính quyết định của bà đang tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ hơn trong dân chúng.

Diễn biến căng thẳng trên xảy ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm khi nhà lãnh đạo Ferdinand Marcos bị lật đổ bởi một cuộc nổi dậy đẫm máu. Kể từ đó đến nay, âm mưu đảo chính liên tục xảy ra ở Philippines.

Tháng 1/2001, Tổng thống Joseph Estrada bị lật đổ và bà Arroyo lên nắm quyền. Hiện Tổng thống Arroyo vẫn nhận được sự ủng hộ của quân đội và cảnh sát, nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi nội bộ các cơ quan này bắt đầu bị chia rẽ.

Trí Đường tổng hợp

MỚI - NÓNG