Philippines: Đất nước tin nhắn

Philippines: Đất nước tin nhắn
Hơn 1/3 người Philippines có điện thoại di động. Nó được xem là công cụ rẻ tiền giúp người ta giữ liên hệ. Nhưng đối với một số người, đây cũng là công cụ xã hội và chính trị.
Philippines: Đất nước tin nhắn ảnh 1
Người Philippines đánh tin nhắn vào hàng nhanh nhất ở phương Đông

Sarah Toms - Phóng viên đài BBC tại Manila - kể: 3 giờ sáng, điện thoại di động của tôi phát tiếng ‘bip’. Tôi mắt nhắm mắt mở cầm điện thoại và không ngạc nhiên khi nhận được tin nhắn về một thảm họa sắp xảy đến.

Tôi cũng không ngạc nhiên khi nhận được tin nhắm từ sáng sớm thế này, hay nhận được cả mớ tin nhắn vào những lúc khác trong ngày.

Đó là những tin nhắn về các vụ mưu đảo chính, các chiến dịch đánh bom và thường thì đó đều là những tin nhảm nhí. Một số tin nhắn khác là các chuyện hài chính trị hoặc tôn giáo.

Cũng có những tin nhắn kêu gọi biểu tình, phát tán tin đồn hay là trò lừa đảo.

Cho dù họ đang đi làm, đi xem phim hay thậm chí đang đi dự đám tang, người Philippines luôn tìm được thời gian để gửi tin nhắn. Và người Philippines đánh tin nhắn vào loạt nhanh nhất ở phương Đông.

Nhức đầu

Những tin nhắn về bất ổn thường lan đi rất nhanh vì người ta không thể không gửi nó cho bạn bè được.

Lắp điện thoại cố định ở Philippines thường khó khăn và đắt đỏ nên số người sử dụng điện thoại di động hiện rất nhiều. Và vì gửi tin nhắn không tốn bao nhiêu tiền nên mỗi ngày người Philippines gửi đi ít nhất 200 triệu tin nhắn.

Đó là lý do đất nước này được coi là thủ đô tin nhắn của thế giới.

Tin nhắn ở đây phổ biến tới mức ngay cả thống đốc ngân hàng trung ương và các quan chức cao cấp khác đã nhắn tin để trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Nhưng tin nhắn cũng làm cho nhiều người nhức đầu.

Tin thất thiệt

Hầu hết người sử dụng điện thoại di động ở đây đều là những người nặc danh vì họ dùng thẻ điện thoại thanh toán trước và người mua thẻ này không cần cung cấp tên và địa chỉ.

Nhắn tin ở Philippines đã trở thành ổ tin đồn và nó có thể biến một mẩu tin thất thiệt thành câu chuyện của cả quốc gia, đôi khi buộc Chính phủ cũng phải lên tiếng.

Khi mới đây người ta lưu truyền tin nhắn rằng người đứng đầu lực lượng vũ trang Philippines đã từ chức, tin đồn này đã tới tai nhiều người tới mức vị quan chức này buộc phải lên tiếng bác bỏ.

Với nguồn gốc không rõ ràng, các tin nhắn có dụng ý xấu có thể tạo ra tình trạng bất an tại một nền dân chủ vốn đã mong manh này.

Các nhà phân tích nói những lời đồn đại qua nhắn tin đã xuất hiện nhiều như hiện nay ở Philippines vì nhiều người muốn chứng tỏ cho thiên hạ biết rằng họ biết về các vấn đề an ninh quốc gia.

Những người khác nhắn các tin đồn này cho bạn bè và gia đình vì họ tin rằng họ đang cảnh báo người thân quen về các bất ổn.

Và vì bất kỳ lý do gì, tôi đã nhận được các tin thất thiệt về các thảm họa như sóng thần chuẩn bị tới miền nam Philippines cho tới chuyện một trái bom sắp phát nổ ở một khu mua sắm nổi tiếng.

Một trong những tin nhắn tôi nhận được nói rằng Tổng thống Gloria Arroyo đã chết vì một căn bệnh lạ.

Philippines: Đất nước tin nhắn ảnh 2
Tin đồn về bà Arroyo đã được chuyển qua các tin nhắn

Cáo buộc chính trị

Sức mạnh của tin nhắn đã lên tới đỉnh điểm vào năm 2001. 

Một chiến dịch chớp nhoáng đã thu hút được hàng trăm ngàn người biểu tình trên đường phố ở Manila buộc Tổng thống Joseph Estrada phải rời chức vụ.

Bà Arroyo, người lên thay ông Estrada nay lại trở thành mục tiêu.

Tình hình chính trị ở Philippines càng căng thẳng thì các tin đồn càng phát tán nhanh.

Bà Arroyo hiện đang gặp nhiều khó khăn với uy tín của bà đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Bà bị cáo buộc tham nhũng và gian lận trong cuộc bầu cử hồi năm 2004. Bà đã bác bỏ các cáo buộc này.

Những cáo buộc đối với bà phần lớn dựa trên việc thu âm các cuộc điện thoại mà trong đó bà Arroyo bị cáo buộc đã nói với một quan chức bầu cử về chuyện phải đảm bảo cho bà có chiến thắng cách biệt 1 triệu phiếu bầu.

Một tin nhắn tôi nhận được nói rằng bà Arroyo đã nhận được giải Oscar cho bài diễn văn xin lỗi quốc dân vì đã nói chuyện với quan chức bầu cử có biệt danh là Garci.

Và cáo buộc về cuộc điện đàm cũng đã được chuyển thành nhạc hiệu cho điện thoại di động. Tiếng chuông với tên gọi ‘Hello Garci’ hiện đang rất phổ biến trong số những người dùng di động.

Bà Arroyo đã thoát khỏi vụ luận tội trong năm ngoái, nhưng các tin nhắn kêu gọi bà rời chức vụ vẫn tiếp tục được truyền đi.

Các tin nhắn này thường được nói là có nguồn từ ngành tình báo hay dựa trên những chứng cớ nhất định.

Chính vì vậy người ta khó mà biết được các tin nhắn đó là giả hay thật, ít nhất là ngay khi nhận được.

Nhiều khi các tin nhắn đó chỉ là những ngón đòn bẩn thỉu của chính quyền hay của phe đối lập và chúng làm cho tôi nghĩ rằng âm mưu duy nhất của họ là làm cho tôi mất ngủ.

Nhưng kể từ khi sống ở Manila tôi đã chứng kiến một cuộc nổi dậy bất thành của binh lính và một vài cáo buộc mưu lật đổ chính phủ.

Đó là lý do tại sao vào lúc 3 giờ sáng tôi vẫn bật đèn để đọc tin nhắn cho dù những tin đó có vẻ xa sự thật tới mức nào.

Khi đưa tin từ Philippines, tôi không thể phớt lờ bất kỳ điều gì được.

Theo BBC

MỚI - NÓNG