Philippines 'xích lại gần' Nhật Bản

Tàu khu trục Ikazuchi của hải quân Nhật Bản cập cảng Manila ngày 29/1/2019 ảnh: Atimes/Twitter
Tàu khu trục Ikazuchi của hải quân Nhật Bản cập cảng Manila ngày 29/1/2019 ảnh: Atimes/Twitter
TP - Trong một cử chỉ xích lại gần Nhật Bản, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa có chuyến thăm thứ ba tới Tokyo, nơi ông gặp các lãnh đạo nước chủ nhà và tái xác nhận mối quan hệ thương mại và an ninh đang tăng lên giữa hai nước.

Nhà lãnh đạo Philippines đã được chỉ định làm diễn giả chính tại Hội nghị quốc tế Nikkei lần thứ 25 với sự tham dự của các nhân vật chính trị, doanh nhân và học giả hàng đầu châu Á.

Trong chuyến thăm của ông Duterte, hai bên đã ký 26 thỏa thuận, bao gồm các thỏa thuận đầu tư và thương mại trị giá 6 tỷ USD.

Các thỏa thuận thương mại này ra đời trong không khí đôi bên đang cố gắng làm sâu sắc hơn các cuộc đối thoại chiến lược, trong đó có các thương vụ mua bán vũ khí thiết bị do Nhật chế tạo mà theo nhận định của tờ Asia Times, củng cố vị trí của Philippines trên biển Đông liên quan đến Trung Quốc.

Các cam kết đầu tư, đến từ những công ty, tập đoàn lớn của Nhật như Sumitomo Electric Industries Ltd, Mitsubishi hay chuỗi cửa hàng bán lẻ Lawson Inc, được cho là sẽ tạo ra gần 83.000 việc làm trên khắp Philippines.

Tổng thống Duterte cũng đã thảo luận với giới lãnh đạo Nhật Bản về các quan ngại chiến lược mà đôi bên cùng quan tâm, bao gồm vấn đề biển Đông, nơi gần đây các tàu bè Trung Quốc được cho là đã có hành vi ngăn cản giới chức Philippines tiếp cận một đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines đang chiếm giữ.

Cần phải nhắc lại rằng trong ba năm qua, ông Duterte đã tới Trung Quốc 4 lần. Và Nhật Bản cũng là điểm đến nước ngoài “ưa thích” của tổng thống Philippines. Có vẻ như một hành động cân bằng ngoại giao, tổng thống Philippines thường thăm Nhật Bản ngay sau khi thăm Trung Quốc. Ông Duterte đã làm vậy hồi tháng 10/2016, khi tới Nhật Bản chỉ vài ngày sau khi đến thăm Trung Quốc.

Năm nay, chuyến thăm của ông Duterte tới Nhật diễn ra chỉ vài tuần sau khi tham dự diễn đàn “Vành đai và con đường” ở Bắc Kinh hồi tháng 4.

Trong khi vẫn “trải thảm đỏ” cho đầu tư từ Trung Quốc, với cam kết viện trợ chính thức và FDI từ Bắc Kinh ở mức 26 tỷ USD, chính quyền Duterte vẫn “miệt mài” chào đón nguồn vốn đầu tư và các thỏa thuận đối tác chiến lược từ Nhật Bản.

Đại sứ Philippines tại Nhật Bản Jose Laurel thậm chí còn tuyên bố Nhật đối xử với Philippines như “một trong các quốc gia đối tác quan trọng nhất”.

Tuy vậy, có một thực tế trong 5 thập kỷ qua, Nhật Bản luôn là nhà đầu tư hàng đầu ở Philippines, bao gồm cả lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Tokyo cũng là đối tác lớn nhất trong chương trình phát triển cơ sở hạ tầng mang tên “Xây, xây, xây” của ông Duterte, trong đó có  dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Manila, hệ thống đầu tiên ở Philippines, hay dự án đường sắt ở miền bắc nước này.

Về phía Nhật Bản, ngoài các lợi ích kinh tế, nhằm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi các mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Philippines. Trong khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở biển Đông, Philippines như một lẽ tự nhiên, cũng phải trông sang Tokyo và Washington tìm kiếm sự hỗ trợ để đối lại.

Trước chuyến thăm của ông Duterte tới Tokyo, trợ lý ngoại trưởng Philippines Meynardo Montealegre nói vấn đề biển Đông sẽ là trọng tâm các cuộc đối thoại song phương. “Philippines luôn luôn cam kết duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại”, vị quan chức ngoại giao này nói.

Theo Asia Times, Nhật Bản có thể sớm chuyển giao một số thiết bị quốc phòng giúp Philippines “duy trì các cam kết tự do hàng hải” nói trên.

Trong vài năm gần đây, Nhật Bản thường xuyên tập trận với Philippines và năm ngoái, lần đầu tiên sau Thế chiến 2, Tokyo triển khai xe thiết giáp tới Philippines cùng chủ nhà và Mỹ tham gia cuộc tập trận Balikatan thường niên.

Nhật cũng đẩy mạnh hỗ trợ an ninh cho Philippines, bao gồm việc chuyển giao máy bay trinh sát TC-90 cho hải quân và tàu đa nhiệm cho tuần duyên Philippines. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.