Phó Thủ tướng chia sẻ thành tựu xoá đói giảm nghèo

Một phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh
Một phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh
TPO - Ngày 25/9/2015, tại Trụ sở Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại phiên Đối thoại Cấp cao về Xoá đói nghèo. Sự kiện này thu hút sự tham gia của Lãnh đạo cấp cao nhiều nước vì là chủ đề ưu tiên cao nhất và cũng là Mục tiêu được quan tâm nhiều nhất trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030.

Dưới đây là toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng:

Xóa đói nghèo là mục tiêu đầu tiên trong 8 MDGs mà chúng ta đã nỗ lực phấn đấu; đồng thời tiếp tục là mục tiêu bao trùm và thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững tại mọi quốc gia. Do đó, tôi đánh giá cao quyết định tổ chức phiên đối thoại về chủ đề xóa đói nghèo trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Chúng tôi vui mừng ghi nhận trong 15 năm qua, hơn 700 triệu người trên thế giới đã thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực. Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia đã thực hiện thành công hầu hết các Mục tiêu MDGs và thành tích ấn tượng nhất là đã đạt Mục tiêu về giảm nghèo trước hạn gần 10 năm. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế  tại Việt Nam giảm mạnh và liên tục, từ 58,1% năm 1993 xuống 28,9% năm 2002, 14,2% năm 2010 và 8,4% năm 2014.

Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người sống trong nghèo đói. Đồng thời đảm bảo xóa đói nghèo bền vững vẫn là thách thức của mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Trên cơ sở kinh nghiệm mà Việt Nam đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu MDGs, tôi xin nêu một số đề xuất sau:

 Thứ nhất, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề đói nghèo toàn diện hơn, nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận về giảm nghèo từ đơn chiều, chủ yếu dựa trên tiêu chí về thu nhập sang tiếp cận đa chiều nhằm hướng tới mục tiêu cao hơn và đảm bảo giảm nghèo bền vững. Với cách tiếp cận trên, Việt Nam đã thông qua Đề án mới về giảm nghèo, trong đó xác định rõ ngoài thu nhập còn có 5 thành tố khác là tiếp cận y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Thứ hai, cần lồng ghép giảm nghèo trong các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thúc đẩy ý thức vượt khó, tự vươn lên của người nghèo. Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường biện pháp và nguồn lực hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, các vùng, địa phương nghèo và thiệt thòi nhất, đặc biệt về hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập, cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục... theo phương châm hỗ trợ “con cá” lúc khó khăn ban đầu, tiếp đó là “cần câu” để chính người dân tự vươn lên thoát nghèo. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Thứ ba là cần tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác toàn cầu vì phát triển nhằm hỗ trợ nỗ lực xóa đói nghèo của các nước đang phát triển, trong đó Liên hợp quốc đóng vai trò tư vấn, thúc đẩy và điều phối quan trọng. Trên tinh thần đó, tôi kêu gọi các nước phát triển tăng cường viện trợ phát triển và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển trên lĩnh vực xóa đói nghèo.

“Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia đã thực hiện thành công hầu hết các Mục tiêu MDGs và thành tích ấn tượng nhất là đã đạt Mục tiêu về giảm nghèo trước hạn gần 10 năm. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế  tại Việt Nam giảm mạnh và liên tục, từ 58,1% năm 1993 xuống 28,9% năm 2002, 14,2% năm 2010 và 8,4% năm 2014” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng với các Thủ tướng Đức, Na-uy, Kê-ni-a và Tổng Thư ký Liên hợp quốc tham gia phát biểu chính tại Thảo luận chuyên đề “Từ Đối thoại Toàn cầu đến Hành động Toàn cầu – Thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững".

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thành công trước thời hạn các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, trong đó có sự cam kết chính trị từ cấp cao nhất với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của tất cả các Bộ, ngành liên quan để tạo sức mạnh tổng hợp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công sự nghiệp phát triển là phải có môi trường hòa bình, ổn định. Quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở Việt Nam thực sự là của dân, do dân và vì dân. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của Liên hợp quốc và các nhà tài trợ dành cho Việt Nam thời gian qua và đề nghị LHQ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thời gian tới thông qua việc tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực.

MỚI - NÓNG