Phong trào Gulen bị nghi đứng sau đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định, những người tham gia cuộc đảo chính đã nhận lệnh từ Fethulla Gulen, giáo sĩ dẫn đầu Phong trào Gulen. Tuy nhiên, Phong trào Gulen đã phủ nhận có liên quan trong vụ việc trên.

Sinh năm 1941, Fethullah Gulen xuất thân từ một gia đình tôn giáo, là con trai của một Imam, vì thế ngay từ nhỏ ông đã sớm tiếp cận Hồi giáo. Gulen tham gia vào tất cả các cuộc tranh luận xã hội có liên quan đến tương lai của Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông đã viết và xuất bản hơn 60 quyển sách và nhiều bài báo, ghi âm, ghi hình về nhiều vấn đề xã hội, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo, khoa học… Tuy nhiên, ông cũng từng bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam vì dám làm thay đổi cơ sở hệ thống Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ.

Gulen bắt đầu đặt nền móng đầu tiên cho Phong trào Gulen vào năm 1978, với việc thành lập trung tâm học tập (dershane) đầu tiên. Năm 1982, ngôi trường mang tên Gulen đầu tiên bắt đầu đi vào hoạt động, mở ra thời kỳ bành trướng ảnh hưởng của Gulen bằng các buổi thuyết giảng khắp nơi.

Sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991 đã tạo ra cơ hội cho phong trào Gulen mở rộng, bành trướng ảnh hưởng sang tận các quốc gia Trung Á thuộc Liên bang Xô viết. Sau đó, Gulen bắt đầu phát triển sang Mỹ, với trường học mang tên Gulen đầu tiên được thiết lập tại Pennsylvania vào năm 1999, và châu Âu với trường Gulen đầu tiên được lập tại Stuttgart, Đức, vào năm 1995.

Cũng bắt đầu từ năm 1999, Gulen rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ di cư sang Mỹ, định cư tại bang Pennsylvania. Tính đến nay đã có hơn 1.000 ngôi trường Gulen được lập tại hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ là 300 và ở Mỹ là 100 ngôi trường.

Các hoạt động giảng dạy của những ngôi trường này được đánh giá là "chỉ hướng đến cái tốt, cái thiện", không phải thuộc dạng thuyết giáo bạo lực như các trường học Hồi giáo của thành phần cực đoan.

Phong trào Gulen không chỉ có hoạt động giáo dục, hay đối thoại liên tôn giáo và tranh luận xã hội. Phần quan trọng của phong trào Gulen chính là những dính líu đến chính trị trong nước. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người theo phong trào Gulen hiện đang được xem là đã tạo ra một kiểu "nhà nước bên trong nhà nước".

Những người theo Gulen hiện diện không chỉ trong bộ máy hành chính, trong các cơ quan chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mà còn trong tất cả các cơ quan quyền lực nhất, như Quốc hội, quân đội, cảnh sát, tòa án…

MỚI - NÓNG