Phụ nữ chỉ chiếm hơn 17% ghế nghị sĩ trên toàn thế giới

Phụ nữ chỉ chiếm hơn 17% ghế nghị sĩ trên toàn thế giới
TP - Theo báo cáo vừa được Ủy ban châu Âu (EC) công bố, hiện chỉ có 17% nghị sĩ quốc hội trên toàn thế giới là phụ nữ. Khảo sát của Liên minh Nghị viện (IPU) cũng cho kết quả tương tự 17,7%. 
Phụ nữ chỉ chiếm hơn 17% ghế nghị sĩ trên toàn thế giới ảnh 1
Phụ nữ Iraq

Mặc dù tỷ lệ này cao hơn so với 10% vào năm 1995, nhưng vẫn còn cách xa mức tối thiểu cần thiết là 30% để gia tăng ảnh hưởng của phái nữ trên chính trường.

Ngày 6/3, tại Brussels (Bỉ) diễn ra hội nghị quốc tế với mục tiêu tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong việc giải quyết xung đột và chống đói nghèo. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 50 phụ nữ là lãnh đạo quốc gia, ngoại trưởng, nghị sĩ, đệ nhất phu nhân, nữ quan chức Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU)...

Những nhà lãnh đạo nữ nổi tiếng thế giới như Tổng thống Phần Lan Tarja Halojen, Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko, Ngoại trưởng Mỹ C.Rice, cựu Tổng thống Latvia Vaira Freiberga...đều khẳng định phụ nữ đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của họ trong việc giải quyết xung đột, chống đói nghèo trên toàn thế giới, nhưng tỷ lệ lãnh đạo nữ vẫn còn rất hạn chế dù đã được cải thiện. 

Khảo sát của EC tại 262 Thượng viện và Hạ viện ở 189 quốc gia trên toàn thế giới cho biết chỉ có 30 phụ nữ đứng đầu cơ quan lập pháp. Trong khu vực EU, 24% ghế nghị sĩ hiện do phụ nữ chiếm giữ, so với 16% cách đây 1 thập kỷ.

Khu vực Bắc Âu đứng đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội, chiếm khoảng 41%. Trong Nghị viện châu Âu, có 31% nữ nghị sĩ. Tất cả các khu vực khác ngoài châu Âu đều có tỷ lệ nữ nghị sĩ dưới 20%.

“Khủng hoảng quốc gia” đối với phụ nữ Iraq

Hãng tin BBC dẫn kết quả một cuộc khảo sát cho biết, tình cảnh của phụ nữ Iraq trở thành “khủng hoảng quốc gia” kể từ khi Mỹ tấn công nước này năm 2003. Hiện chỉ có 26,9% phụ nữ Iraq lạc quan về tương lai của đất nước đang bị xé nát bởi bạo lực, xung đột. Có 63,9% phụ nữ được hỏi cho biết bạo lực nhằm vào họ đang gia tăng. 76,2% phụ nữ cho biết các bé gái trong gia đình họ bị cấm đến trường.

Trong Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ nghị sĩ nữ đã được nâng từ 4% lên 9% sau cuộc tổng tuyển cử tháng 7/2007. Theo IPU, Mỹ đứng thứ 71 thế giới về tỷ lệ nữ trong Quốc hội. Hạ viện Mỹ hiện có 16,8% phụ nữ, trong khi Thượng viện tỷ lệ này là 16%. 

Theo khảo sát của EC, mặc dù vấn đề bình đẳng giới ngày càng được quan tâm và cải thiện, nhưng phái yếu cũng chỉ chiếm 24% ghế Bộ trưởng trong các Chính phủ. Phụ nữ đang chiếm đa số trong Chính phủ Phần Lan, Na Uy. Tại Thụy Điển, 46% quan chức Chính phủ là phái nữ và tỷ lệ này ở Tây Ban Nha là 41%.

Ngược lại, ở Thổ Nhỹ Kỳ chỉ có một phụ nữ là thành viên Nội các. Tại quốc gia Đông Âu Rumania không có phụ nữ nào là thành viên Chính phủ. Một số quan chức châu Âu vừa đề nghị, phụ nữ nên nắm quyền lãnh đạo ít nhất 1 trong 3 cơ quan của EU là Nghị viện châu Âu, EC và Hội đồng châu Âu. Hiện cả 3 cơ quan này đều do nam giới đứng đầu. Trong số 12 Chủ tịch Nghị viện châu Âu kể từ 1979 đến nay, chỉ có 2 phụ nữ.  

Trên lĩnh vực kinh tế, ngân hàng trung ương của cả 27 thành viên EU đều do nam giới lãnh đạo. Tính toàn châu Âu, lực lượng lao động nữ chiếm 44%, nhưng chỉ có 32% đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong kinh doanh như Chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc của các doanh nghiệp nhỏ. Trong các tập đoàn, Cty hàng đầu của thế giới, nam giới vẫn chiếm hơn 90% vị trí lãnh đạo.

LHQ kêu gọi “đầu tư” cho phụ nữ

Trong thông điệp nhân ngày Quốc tế phụ nữ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon kêu gọi khu vực nhà nước và tư nhân tăng cường đầu tư vào các chương trình nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ. LHQ đã triển khai mạnh mẽ các chính sách bình đẳng giới và đầu tư tài chính cho phát triển, nhưng phía trước là cả một chặng đường dài. Ngân hàng Thế giới ước tính 64% số người lớn mù chữ trên toàn thế giới là phụ nữ.

Theo báo cáo được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 7/3, số lao động nữ có việc làm đã tăng thêm 200 triệu người trong 1 thập kỷ qua, lên 1,2 tỷ người năm 2007, so với 1,8 tỷ lao động là nam giới. Tuy nhiên, số lượng phụ nữ thất nghiệp cũng tăng từ 70,2 triệu người lên 81,6 triệu người năm 2007.

Tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp vẫn cao hơn nam giới: 6,4% so với 5,7%. ILO cho biết, nhiều phụ nữ có việc làm hơn, nhưng mức lương thấp và bị lạm dụng nhiều hơn so với nam giới. Theo khảo sát, phụ nữ có việc hưởng mức lương trung bình thấp hơn nam giới 16%.

MỚI - NÓNG
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
TPO - Năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá xảy ra hơn mức bình thường vào nửa đầu năm. Còn nửa cuối năm, mưa, bão, lũ, ngập lụt cũng xuất hiện nhiều hơn và tác động nhanh hơn đến nước ta.