Phụ nữ gốc Việt trượt top 5 ứng viên thẩm phán tối cao Mỹ

Bà Jacqueline Nguyen. Ảnh: Federal Court
Bà Jacqueline Nguyen. Ảnh: Federal Court
Nhà Trắng đang phỏng vấn 5 ứng viên tiềm năng vào Tòa án Tối cao Mỹ nhưng trong số này không có bà Jacqueline Nguyen, nữ thẩm phán gốc Việt ở California. 

Reuters dẫn một nguồn tin thông thạo vấn đề cho hay những người đang được cân nhắc gồm các thẩm phán liên bang Sri Srinivasan, Jane Kelly, Ketanji Brown Jackson, Paul Watford và Merrick Garland. Họ là những cái tên có khả năng thay thế ông Antonin Scalia, thẩm phán tối cao qua đời đột ngột hồi giữa tháng hai.

5 người được cho là lọt vào danh sách các ứng viên tiềm năng rút gọn, nhưng nguồn tin trên cho hay họ chỉ là những người hiện được xem xét.

Trước đó, bà Jacqueline Nguyen, 50 tuổi, được kỳ vọng là một trong các ứng viên mà Tổng thống Barack Obama có thể cân nhắc lựa chọn vào chiếc ghế thẩm phán tối cao đang bỏ trống. 

Bà Nguyen sinh năm 1965 ở Đà Lạt, Việt Nam. Bà theo gia đình sang Mỹ định cư khi mới 10 tuổi. Bà tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh và luật, từng công tác tại Văn phòng Chưởng lý Mỹ và Tòa Cấp cao hạt Los Angeles.

Tháng 5/2012, sau khi được ông Obama đề cử, bà Nguyen được thượng viện phê chuẩn làm thẩm phán Tòa phúc thẩm Liên bang khu vực 9, bao gồm toàn bộ miền Tây nước Mỹ với 9 bang và hai vùng lãnh thổ. Bà là phụ nữ gốc Á đầu tiên phục vụ ở vị trí này và là nữ thẩm phán liên bang gốc châu Á-Thái Bình Dương đầu tiên tại California.

"Thẩm phán Nguyen là một người tiên phong, thể hiện lòng tận tụy xuất sắc cho dịch vụ công trong suốt sự nghiệp của mình", ông Obama nói khi đề cử bà.

Theo đánh giá của Vox, tuy nhận được nhiều lời khen ngợi từ tổng thống và đồng nghiệp, bà Nguyen có bất lợi so với các ứng viên khác là bà chưa đưa ra nhiều quyết định lớn trong sự nghiệp công tác. Ngoài ra, bà từng nhận một số chỉ trích từ những người theo chủ nghĩa tự do khi bảo vệ cho một cảnh sát sử dụng súng điện với người vô tội năm 2008.

Tòa án Tối cao là toà án liên bang cấp cao nhất tại Mỹ, có thẩm quyền trong việc giải thích Hiến pháp và có tiếng nói quyết định đối với các tranh tụng về luật liên bang. Tòa bao gồm 8 thẩm phán và một chánh án (người đứng đầu tòa). Họ được bổ nhiệm trọn đời bởi tổng thống Mỹ và do thượng viện phê chuẩn. 

Các nhóm quan sát bên ngoài cho rằng ông Obama có khả năng cân nhắc một phụ nữ hoặc một thành viên từ nhóm người thiểu số ở Mỹ, và người này trước đó phải được phe đa số trong thượng viện phê chuẩn lên làm thẩm phán.

Việc tuyển chọn người thay thế ông Scalia đang gây ra một cuộc chiến phe phái ở Mỹ. Lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mitch McConnell tuyên bố ông sẽ không tổ chức điều trần bất kỳ ứng viên nào do Obama, một thành viên đảng Dân chủ, đề xuất.

Phe Cộng hòa đang kiểm soát thượng viện không muốn ý thức hệ của tòa tối cao thiên tả và cho rằng việc lựa chọn nên diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8/11 tới.

Trong khi đó, các nghị sĩ Dân chủ tại thượng viện yêu cầu tổ chức bỏ phiếu về đề cử của ông Obama.

Bà Kelly, một luật sư ở bang Iowa, được xem là ứng viên mạnh nhất nhờ được thượng nghị sĩ Cộng hòa Charles Grassley ủng hộ. Ông này là chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cơ quan tổ chức điều trần các ứng viên tiềm năng.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.