Phụ nữ Mỹ càng giàu càng khó lấy chồng

Phụ nữ Mỹ càng giàu càng khó lấy chồng
TP - Ngày càng nhiều phụ nữ Mỹ thành công về sự nghiệp nhờ vào tài trí và sắc đẹp của mình, nhưng chuyện tình cảm của họ lại có vấn đề. Trong quá trình tìm kiếm bạn đời, họ rất khó khăn trong việc giữ cân bằng với bạn trai.
Phụ nữ Mỹ càng giàu càng khó lấy chồng ảnh 1

Hess là một kỹ sư phần mềm 25 tuổi ở Manhattan, quan hệ giữa cô và người bạn trai đột nhiên trở nên căng thẳng mà nguyên nhân chính là mức lương của cô.

Không phải vì lương cô quá thấp mà là thu nhập của anh ta kém xa so với lương của Hess. Nỗi khổ của Hess không phải mình cô có, ngày càng nhiều cô gái trẻ lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười như thế.

Sự bất hoà của Hess và người bạn trai bắt đầu vào một buổi tối, cô muốn cùng người yêu đến một nhà hàng mới khai trương để thư giãn, trong khi chàng người yêu lại chỉ muốn ăn một bữa cơm cho xong. Khi hai người cãi nhau thì chàng người yêu bộc lộ tự ti khi nói đến chuyện Hess thu nhập nhiều tiền hơn. Chuyện tình cảm của họ chấm dứt ở đó. Hess buồn rầu nói: “Tôi rất thích anh ấy, nếu không xảy ra chuyện ấy thì chúng tôi vẫn tiếp tục yêu nhau”.

Theo số liệu thống kê của nhà xã hội học Beveric ở Học viện Queen, New York hồi năm 2005, tại các thành phố lớn như New York, Chicago, Boston và Minesota, các cô gái trong độ tuổi 21 - 30 hầu hết đều có việc làm ổn định, đây là điều hiếm thấy trong lịch sử và thu nhập của họ cao hơn các chàng trai cùng lứa tuổi tới 17%. Ông Beveric cho rằng có sự chênh lệch về thu nhập này là do khác nhau về trình độ học vấn: 53% các cô gái đi làm đã tốt nghiệp đại học, trong khi các chàng trai chỉ có 38%. Sự thay đổi về thu nhập này đã dẫn đến thay đổi về quan hệ nam nữ. Các cô gái vì thế thường gặp phải thái độ thù địch vô cớ.

Norlande năm nay 28 tuổi là cổ đông lớn của một công ty từ khi cô 18 tuổi và cô đã giao dịch qua mạng kiếm tiền từ khi mới 15 tuổi. Từ năm ngoái, cô hẹn hò với một chàng nhạc sỹ người New York 35 tuổi. “Tôi thường bay đi bay về để làm ăn. Một lần chỉ vì muốn kịp công việc, tôi bỏ tiền mua cả vé máy bay cho anh ta khiến anh ta tự ái và một trận cãi nhau kịch liệt đã nổ ra. Kết cục là hai người chia tay”. Sau lần đó, Norlande và các cô bạn đã rút ra kết luận: Tốt nhất hãy hẹn hò với người có điều kiện kinh tế tương đồng, như thế sẽ giảm thiểu sự khó xử cho cả hai bên.

Chuyện của Rudie lại khác, là nhân viên thiết kế mẫu mã ở New York, lần đầu tiên cô hẹn hò người bạn trai mới quen tại một nhà hàng. Khi cô đưa thẻ tín dụng cho người hầu bàn để thanh toán bữa ăn thì người bạn trai chẳng hề có phản ứng gì. Điều đó khiến Rudie tức giận: “Khi nói chuyện tôi đã nhiều lần nói rõ mình là người độc lập, vậy mà một người đàn ông lại không hề có hành động gì trước một phụ nữ độc lập về kinh tế. Điều đó khiến tôi rất tức giận”. Vậy là cuộc tình đã kéo dài 6 tháng của họ chấm dứt.

Rosa là một nữ luật sư 29 tuổi có thu nhập vào loại trung lưu ở Manhattan, thế nhưng khi hẹn hò với bạn trai cô rất chú ý đến vấn đề tài sản. Thực ra cô không sợ lộ ra mình là người giàu, mà chủ yếu là sợ anh ta “chết khiếp” trước khả năng tiêu xài của cô. Mỗi khi hẹn hò bạn trai cô phải cố kìm hãm thói quen thích mua sắm, hoặc giấu biến những quần áo, ví xách đắt tiền vào tủ không để anh ta nhìn thấy kẻo khó xử. “Nhiều đấng mày râu không thừa nhận họ tự ti, nhưng tôi nhận thấy đó là một quan niệm đã trở nên thâm căn cố đế!” – Rosa kết luận.

Lan Hương
(Theo Thời báo Tin tức)

MỚI - NÓNG