Phúc bất trùng lai

Phúc bất trùng lai
TPO - Có lẽ phải mô tả tình cảnh của ngành công nghiệp hàng không dân dụng Nga sau vụ tại nạn bi thảm của chiếc Sukhoi-Superjet 100 ở Indonesia là “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”.

Chưa rõ nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn cướp đi mạng sống của 46 người là gì, nhưng dường như những thông tin hiện có cho thấy đây là lỗi của con người. Chiếc Sukhoi-Superjet 100 là sản phẩm hợp tác của hãng chuyên sản xuất máy bay quân sự danh tiếng Sukhoi và một hãng của Ý, là niềm hy vọng trở lại bầu trời của ngành hàng không dân dụng Nga sau nhiều năm sa sút và vắng bóng.

Chưa rõ sau vụ tai nạn này, hợp đồng sản xuất 176 chiếc Sukhoi-Superjet 100 đã ký sẽ được xử lý ra sao nhưng chẳng ai thoải mái với một dòng máy bay vừa mang đi trình diễn đã bị tai nạn, dù tai nạn có thể hoàn toàn do lỗi của tổ lái.

Ngược trở lại thời điểm trước thời điểm chiếc Superjet 100 ra đời. Ngành công nghiệp hàng không Liên Xô và sau này là Nga đã thua sút một quãng khá xa với phương Tây, cho dù Nga vẫn bước ngay sau Mỹ và nhỉnh hơn so với Anh, Pháp, Đức trong việc sản xuất máy bay quân sự.

Máy bay dân dụng Liên Xô từ lâu “nổi tiếng”với những đặc điểm “nồi đồng cối đá”, độ tin cậy cao nhưng tiếng ồn lớn, tốn nhiên liệu, mẫu mã không hẳn là đẹp mắt và một điểm rất quan trọng là thiết kế chưa thân thiện với hành khách, thiếu tiện nghi.

Tuy nhiên, trong thời chiến tranh lạnh, khi phe XHCN còn đông đảo và là đối trọng của phương Tây, máy bay dân dụng Liên Xô vẫn có mặt và trong một thời gian hàng vài thập kỷ là trang bị chính của nhiều hãng hàng không trên thế giới. Nhưng, do thiếu sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường mà ngành sản xuất phi cơ dân dụng Liên Xô chậm được đổi mới, nhanh chóng bị phương Tây bỏ xa.

Trong nhiều năm, quanh đi quẩn lại Liên Xô và sau này là Nga vẫn “trung thủy” với những dòng máy bay ra đời từ nửa thế kỷ trước như Tu-134, Tu-154, IL-62. Chiếc IL-86, dòng máy bay 4 động cơ thân rộng đầu tiên của Liên Xô và thứ hai thế giới sau loại Boeing 747, tiền thân của dòng IL-96 đang được sử dụng làm chuyên cơ của tổng thống Nga cũng không thu được thành công.

Ra đời trong những năm 1970, chiếc IL-86 gặp hạn chế về động cơ và người ta phải mất cả một thập niên sau đó để hoàn thiện. Mặc dù IL- 86 được ghi nhận là một máy bay rất an toàn, độ tin cậy cao nhưng người ta chê thiết kế nội thất xấu và bí, một điểm yếu cố hữu của máy bay dân dụng Nga.

Trong bối cảnh như thế, ngành sản xuất máy bay dân dụng Nga tiếp, tục gặp khó khăn và đình trệ khi Liên Xô sụp đổ. Nhiều nước từng sử dụng máy bay chở khách Nga đã dần chuyển qua mua Boeing, Airbus để thay máu đội bay bới các hàng này đã đạt đến đẳng cấp cao trong việc thị trường hóa sản phẩm với những mẫu máy bay ngày càng nhẹ, êm, tiết kiềm nhiên liệu và nội thất sang trọng.

Chưa hết, thời điểm này, những máy bay Liên Xô sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước bắt đầu già cỗi và thiếu phụ tùng thay thế. Hàng loạt vụ tai nạn liên quan đến những dòng Tu-134, Tu-154 ở Nga, ở Iran (do chịu lệnh cấm vận của Mỹ nên thiếu phụ tùng thay thế) khiến máy bay dân dụng Nga bị gán cho tiếng oan là “những cỗ quan tài bay”. Ngay trong vụ tai nạn của cố tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski, dù lỗi sau này được xác định hoàn toàn thuộc về tổ lái thì chiếc Tu-154 thêm một lần nữa nhận thêm tai tiếng.

Sự ra đời của chiếc Sukhoi-Superjet 100 đang được các quan chức hàng không Nga hy vọng là sự trở lại ngoạn mục, với phân khúc máy bay hạng trung còn ít nhiều chỗ trống. Nhưng vụ tai nạn ở Indonesia dường như đã xóa đi tất cả.

Theo Viết
MỚI - NÓNG