Phương Tây có thể nhượng bộ Nga về Crimea

Bán đảo Crimea
Bán đảo Crimea
TP - Theo nhận định của các nhà phân tích, phương Tây quả thực có thể nhượng bộ Nga trong vấn đề Crimea, bởi vì họ hiểu rằng Mátxcơva sẽ không bao giờ thay đổi lập trường trong vấn đề này.

“Đúng, Crimea đã mất”

Trong một cuộc họp mới đây tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Buck McKeon cho biết Tổng thống Obama đã thừa nhận một thực tế là Crimea đã mất, nhưng không nói rõ ai mất Crimea hay Crimea rơi vào tay ai.

Theo lời kể của Thượng Nghị sĩ McKeon, tại một cuộc gặp tại Nhà Trắng, sau khi Tổng thống Obama điểm qua những vấn đề chưa được giải quyết trên thế giới, ông hỏi: “Tại sao Ngài không nhắc đến Crimea? Phải chăng Crimea đã mất?” Ông Obama đáp lại: “Đúng, Crimea đã mất”. Nhưng cũng theo lời McKeon, ông Obama không nói rõ.

Vài ngày trước, khi đề cập đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ là Daniel Fried cũng đã hạ giọng trong vấn đề Crimea. Theo lời Fried, Nga không nhất thiết phải từ bỏ Crimea để đổi lấy việc Mỹ giảm bớt hoặc bãi bỏ các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với Nga.

Fried nói rõ, nếu Mátxcơva tuân thủ nghiêm túc các thoả thuận được ký kết tại Minsk ngày 5/ 9, điều đó sẽ mở đường cho việc bãi bỏ những biện pháp trừng phạt nghiệt ngã mà phương Tây công bố hôm 12/ 9 nhằm vào các công ty Nga thuộc các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và ngân hàng.

Nga cứng, EU có thể nhượng bộ

Tương tự như vậy, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga có thể được giảm nhẹ ngay vào cuối tháng 9 này nếu Nga thực hiện mọi điều kiện của Thỏa thuận Minsk về việc ngừng bắn tại miền Đông Ukraine.

Báo chí Nga trích dẫn nguồn tin từ giới thân cận của Tổng thống Putin cho hay, ông Putin quyết định sẽ đối đầu với chính sách trừng phạt cho tới khi phương Tây “biết điều”, dù có phải chịu nhiều khó khăn trong vài ba năm tới.

Như vậy, việc Nga từ bỏ Crimea không còn là điều kiện bắt buộc cho việc giảm nhẹ hoặc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt như Mỹ và EU đã tuyên bố trước đây.

Theo nhận định của các nhà phân tích, phương Tây quả thực có thể nhượng bộ trong vấn đề Crimea. Nguyên nhân chính rất có thể bởi vì họ hiểu rằng Mátxcơva sẽ không bao giờ thay đổi lập trường trong vấn đề tối quan trọng này.

Nhưng một nguyên nhân quan trọng khác khiến EU ít nhiều hạ giọng là việc thực thi các biện pháp trừng phạt gây phương hại nặng nề không chỉ cho Nga mà cho cả phương Tây.

Theo ước tính của tờ The Economist, việc Nga cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm từ EU có thể khiến EU bị thiệt hại chừng 10 tỷ USD. Còn việc cấm bán cho Nga các loại sản phẩm công nghệ cao trong các lĩnh vực năng lượng và quốc phòng có thể khiến khu vực này bị thiệt hại 60 tỷ USD trong năm nay và 70 tỷ USD trong năm sau.

Phía Nga đương nhiên bị thiệt hại nặng nề hơn nhiều. Cũng theo ước tính của The Economist, tổng thiệt hại của Nga có thể lên đến gần 1.000 tỷ USD. Bản báo cáo mới nhất của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu EBRD dự đoán, kinh tế Nga sẽ lâm vào tình trạng suy thoái ngay vào năm 2015.

Tuy nhiên, mọi bằng chứng đều cho thấy Ban lãnh đạo Nga kiên quyết không thỏa hiệp nửa vời với phương Tây. Theo báo chí Nga, Ngân hàng Trung ương Nga đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp cần thiết đối phó với tình trạng kinh tế suy thoái.

Nói cách khác, quan hệ Nga - phương Tây chỉ được cải thiện một khi hai bên tìm được cách giải quyết tổng thể vấn đề Ukraine.

Theo Theo Gazeta.ru
MỚI - NÓNG