Pin hộp đen MH370 sẽ ngừng hoạt động sau 30 ngày

Thiết bị ghi lại thông tin chuyến bay 447 của hãng Air France vẫn nguyên vẹn khi được tìm thấy sau gần hai năm chiếc máy bay gặp nạn
Thiết bị ghi lại thông tin chuyến bay 447 của hãng Air France vẫn nguyên vẹn khi được tìm thấy sau gần hai năm chiếc máy bay gặp nạn
Cuộc chạy đua với thời gian để tìm ra chiếc máy bay mang số hiệu MH370 căng thẳng hơn bao giờ hết khi một chuyên gia hàng không cho biết, pin của hộp đen có thể hết sau 30 ngày phát tín hiệu.

Theo SCMP, các nhóm tìm kiếm chiếc máy bay chở 239 người đang chịu nhiều áp lực. Họ phải lùng sục hộp đen của chiếc MH370 trước nguy cơ cuộc tìm kiếm này có thể kéo dài và ngày càng trở nên tốn kém.

Tất cả nhóm tìm kiếm đều chưa thể phát hiện ra chiếc đèn hiệu định vị nằm trong hộp đen của máy bay. Đây là thiết bị sẽ tự động bật sáng nếu có vụ nổ hoặc va chạm xảy ra và truyền tín hiệu sonar (tín hiệu để giúp xác định vật dưới nước) từ đáy biển.

Giáo sư Alan Lau Kin-tak, chuyên gia hàng không vũ trụ thuộc chuyên khoa kỹ sư cơ khí của Đại học Bách khoa Hong Kong khẳng định: "Tuổi thọ pin của thiết bị này chỉ kéo dài 30 ngày. Nếu chúng ta không thể tìm thấy nó trong khoảng thời gian này, việc xác định vị trí sẽ trở nên khó khăn hơn".

Hạn chót để sử dụng một phương pháp khác nhằm định vị chiếc máy bay mất tích đã hết khi mà vẫn không có dấu hiệu nào được thu thập từ thiết bị ELT của chiếc máy bay. Thiết bị này chỉ hoạt động trong vòng 24 giờ sau khi bật ra ngoài.

Kịch bản vụ máy bay Air France có thể lặp lại

David Newbery, một phi công kiêm điều tra viên các vụ tai nạn hàng không, nói rằng nếu không thể tìm thấy hộp đen trong 30 ngày, các nhóm tìm kiếm sẽ phải đối mặt với tình huống tương tự như vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay mang số hiệu AF 447 của hãng Air France ở khu vực phía nam Đại Tây Dương vào tháng 6/2009.

"Nếu chúng ta không tìm thấy mảnh vụn nào trước thời điểm thiết bị ngừng hoạt động, chúng ta sẽ đối mặt với khó khăn thực sự", ông Newberry khẳng định. "Đây là điều đã xảy ra với chiếc phi cơ số hiệu AF 447, khi dữ liệu ghi lại trong hộp đen không thể được phát hiện cho tới tận gần hai năm sau tai nạn và sau một cuộc tìm kiếm trên diện rộng tốn kém hàng triệu USD".

Sau khi phân tích thông tin từ hộp đen của chiếc phi cơ Airbus A330, người ta phát hiện ra rằng phi công đã phạm lỗi trong việc xử lý các trục trặc của cảm biến tốc độ không khí, dẫn đến vụ rơi máy bay.

Hai thiết bị có kích thước như hộp giày được thiết kế bền vững tới mức "không thể bị phá hủy" trong bất cứ trường hợp nào, thường được đặt ở phía đuôi của hầu hết máy bay.

Một hộp là thiết bị ghi dữ liệu điện tử về chuyến bay, trong đó có các tham số như tốc độ của máy bay, độ cao so với mặt biển, hướng di chuyển, thay đổi cao độ và các số liệu của áp lực buồng lái hay nhiệt độ của động cơ... Hộp còn lại là thiết bị ghi âm giọng nói, trong đó có các cuộc hội thoại và thông tin radio trong buồng lái của phi công.

Tải các dữ liệu từ các hộp đen này là chìa khóa để tìm xem liệu chiếc Boeing 777-200 có phát nổ, một trong các giả thuyết được đặt ra nhiều nhất tính đến thời điểm này, hay đã trải qua tình trạng tụt áp suất buồng lái đột ngột vì một lỗ thủng ở thân máy bay, giáo sư Lau nhận định.

Hai chiếc hộp, có màu đỏ sáng, được chế tạo để chịu lực tác động tạm thời lên tới 3.400 lần so với trọng lực và có thể chịu được nhiệt độ lên tới 1.000 độ C trong vòng 30 phút, ông cho hay. Chúng cũng được thiết kế không thấm nước tới độ sâu 600 m và có thể hoạt động bình thường trong vòng 30 ngày.

Các hộp đen được trang bị và đồng bộ với máy phát tín hiệu vệ tinh, để bảo đảm có thể bắt được tín hiệu, ông Lau cho biết thêm.

Sau vụ tai nạn của chiếc AF 447, một số người trong ngành hàng không gợi ý các máy bay nên truyền trực tiếp và liên tục thông tin và hành trình bay về trạm. Tuy nhiên, ông Lau nói rằng các hãng hàng không sẽ không sẵn lòng áp dụng thay đổi này do kinh phí đầu tư quá tốn kém. Đầu tuần này, hãng Malaysia Airlines khẳng định chiếc MH370 cũng không có thiết bị kết nối vệ tinh liên tục do chi phí đắt đỏ.

Warren Chim Wing-nin, thư ký của Học viện Kỹ thuật Hàng không Hong Kong, nói rằng kỹ thuật trên hoàn toàn có thể áp dụng, nhưng không dễ với hàng không dân dụng. Warren cho biết sẽ rất khó để áp dụng, bổ sung, thực thi công nghệ này do số lượng ít ỏi của dữ liệu từ hộp đen cần kiểm tra và xử lý.

"Việc làm này rất đắt đỏ và có nhiều dữ liệu nhạy cảm sẽ phải được một bên thứ ba thông qua và kiểm duyệt", ông nói. "Điều này hiển nhiên làm tăng các vấn đề an ninh, sự riêng tư và cả chủ quyền quốc gia".

Thiết bị ELT được lắp đặt trong hầu hết các máy bay và có thể truyền các tín hiệu cấp cứu thông qua vệ tinh tới mặt đất thông qua các trung tâm cứu hộ. Nhưng độ bền của chúng kém hơn hộp đen, chưa kể chỉ hoạt động được trong 24 giờ sau sự cố.

Một người đại diện của hãng hàng không Cathay Pacific nói rằng tất cả máy bay của hãng đều liên lạc thông qua hệ thống ACARS (hệ thống nhận diện và báo cáo thông tin về một máy bay). Công ty này không cho biết liệu họ có kế hoạch đầu tư hệ thống truyền trực tiếp dữ liệu chuyến bay theo thời gian thực tế hay không nhưng tuyên bố cơ quan kiểm soát Hàng không của Hong Kong sẽ xác định vị trí theo thời gian thực của máy bay, kiểm tra tốc độ, độ cao so với mặt biển trong dải tần radar của họ.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG