Plesetsk-sân bay vũ trụ tối mật một thời

Plesetsk-sân bay vũ trụ tối mật một thời
TP - Plesetsk Cosmodrome là một trong số những sân bay vũ trụ của Nga, được xây dựng tại vùng Arkhangelsk, cách Matxcơva khoảng 800 km về phía bắc, thời chiến tranh lạnh, từng là một căn cứ quân sự tối mật.
Plesetsk-sân bay vũ trụ tối mật một thời ảnh 1
Một phần sân bay vũ trụ Plesetsk. Ảnh: Từ Internet

Thời gian gần đây, sân bay vũ trụ này được đưa vào sử dụng với mục đích hòa bình, phóng lên không gian những vệ tinh nghiên cứu khoa học. Các thông tin kỹ thuật liên quan và việc xây dựng sân bay vũ trụ Plesetsk hiện còn rất khác nhau giữa các tài liệu của phương Tây và báo chí Nga.

Báo Nga Pravda hôm 20/3 cho rằng sân bay vũ trụ Plesetsk lúc đầu được Liên Xô xây dựng từ năm 1957 để làm nơi phóng các tên lửa vượt đại châu. Tháng 12/1959 Liên Xô đưa sân bay vũ trụ Plesetsk vào hoạt động, là nơi bắn tên lửa R-7.

Theo bách khoa toàn thư điện tử, có thể truy cập được từ Internet, sân bay vũ trụ Plesetsk được xây dựng năm 1960 nằm ở vị trí 62,8 độ vĩ bắc và 40,4 độ kinh đông, là nơi thường được dùng để bắn thử tên lửa tầm xa của Nga.

Đây là tọa độ lý tưởng để phóng tên lửa mang vệ tinh lên quĩ đạo tầng cao của vũ trụ hoặc lên quĩ đạo qua hai cực của Trái đất. Trong thời đại vũ trụ, hầu hết các vệ tinh các loại của Matxcơva được phóng lên từ sân bay vũ trụ tối mật Plesetsk này.

Thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô chưa bao giờ thừa nhận có sự tồn tại của sân bay vũ trụ Plesetsk. Tuy nhiên, năm 1966 giáo sư vật lý người Anh Geoffrey Perry và một nhóm sinh viên của ông khi phân tích kỹ lưỡng quĩ đạo vệ tinh Cosmos 112 của Liên Xô đã xác định được tọa độ của nơi phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh Cosmos 112 vào vũ trụ.

Thầy trò Geoffrey Perry làm việc trong phòng thí nghiệm của trường Kettering Grammar, Anh. Trước khi thầy trò Geoffrey Perry xác định được tọa độ nơi phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh Cosmos 112 vào không gian, khu vực Arkhangelsk của Liên Xô được coi là nơi hay xuất hiện đĩa bay (UFO).

Mặc dù phía Matxcơva mãi về sau mới thừa nhận sự tồn tại của sân bay Plesetsk, các chuyên gia quân sự phương Tây bắt đầu giám sát chặt chẽ mọi hoạt động liên quan đến tên lửa tại vùng Arkhangelsk kể từ khi thầy trò Geoffrey Perry xác định được tọa độ của Plesetsk.

Sân bay vũ trụ Plesetsk trông như một khu đô thị nhỏ ở vùng rừng núi. Có một đường xe lửa dẫn đến Plesetsk giúp cho việc chuyên chở các bộ phận cấu thành của tên lửa đẩy và vệ tinh. Khu đô thị này có tên Mirny, theo tiếng Nga có nghĩa là Hòa bình. Báo

Pravda cho biết, đến khoảng năm 1997, có hơn 1.500 cuộc phóng vệ tinh lên không gian từ sân bay vũ trụ Plesetsk. Con số này lớn hơn rất nhiều so với bất cứ sân bay vũ trụ nào khác của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay.

Năm 1989 lần đầu tiên một nhóm phóng viên phương Tây được phép đến tham quan sân bay vũ trụ Plesetsk. Được biết tại sân bay vũ trụ Plesetsk có bệ phóng để đưa lên không gian bốn loại  tên lửa đẩy mang vệ tinh Cosmos-3M,  Soyuz/Molniya, Tskylon-3, và Start.

Ngày nay Nga đang chuyển dần các cuộc phóng tàu vũ trụ từ sân bay vũ trụ Baikonur trên lãnh thổ Kazakhstan sang sân bay vũ trụ Plesetsk vì hợp đồng về việc Nga thuê sân bay Baikonur sẽ hết hạn vào năm 2014.

Tháng 3/2009, từ sân bay vũ trụ Plesetsk, sẽ phóng lên không gian một vệ tinh địa tĩnh ESA cho mục đích thám hiểm tuần hoàn đại dương và nghiên cứu lực từ trường của Trái đất. Tên lửa đẩy sử dụng trong cuộc phóng này là loại Rokot do Nga sản xuất.

Từng xảy ra ít nhất hai vụ tai nạn chết người tại sân bay vũ trụ Plesetsk. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 26/6/1973 khi giàn phóng tên lửa đẩy bị đổ khiến chín nhân viên kỹ thuật bị thiệt mạng. Vụ thứ hai xảy ra ngày 18/3/1980 khi thùng nhiên liệu của tầng đẩy tên lửa Soyuz bị nổ làm thiệt mạng 50 nhân viên kỹ thuật.

MỚI - NÓNG