‘Quân bài’ ngăn tham vọng của Triều Tiên

Ảnh: Express
Ảnh: Express
TPO - Đối với Triều Tiên, nghị quyết mới nhất của Liên hợp quốc sẽ gây ra những trở ngại lớn đối với nền kinh tế quốc gia này.

Việc hạn chế xuất khẩu nông và thuỷ sản của các công ty Triều Tiên trùng với đợt hạn hán kéo dài diễn ra trên diện rộng tại quốc gia này, khiến cây trồng thiệt hại nặng nề.

Bên cạnh đó, theo Rajiv Biswas, nhà kinh tế học, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Markit ở Singapore, các biện pháp chế tài của cộng đồng quốc tế cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành khai thác mỏ vốn chiếm 33% sản lượng của Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những biện pháp trên không thể ngăn tham vọng phát triển kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Dennis Wilder, cựu giám đốc khu vực châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia trong thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush, nói: “Sự phụ thuộc của Triều Tiên đối với nhiên liệu Trung Quốc là chìa khóa để Bắc Kinh kiểm soát Bình Nhưỡng. Nếu Trung Quốc siết cung cấp dầu, không quân Triều Tiên không thể hoạt động, bay máy bay chiến đấu và hệ thống điện sẽ tê liệt”.

Thương mại với Trung Quốc

Năm 2016, Triều Tiên đạt sự phát triển kinh tế nhanh nhất kể từ năm 1999, nhưng thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này vẫn chỉ vào khoảng 1.300USD.

Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc, tổng giá trị thương mại Triều Tiên là 6,55 tỷ USD vào năm 2016, tăng 4,7% so với năm trước. Thương mại với Trung Quốc chiếm khoảng 93% trong tổng số.

Dù Trung Quốc hồi tháng 2 vừa qua đã cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng hiệu quả của việc này và các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc vẫn phụ thuộc vào tổng giá trị thương mại và mức độ nghiêm ngặt của Bắc Kinh trong thực hiện các biện pháp hạn chế mới.

Đòn bẩy quan trọng

Bradley Babson, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Triều Tiên tại Viện Mỹ-Hàn Quốc, Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao của John Hopkins nói với Bloomberg Television: “Dầu là điều tối quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế Triều Tiên. Cả Nga và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã sử dụng dầu là đòn bẩy quan trọng trong mối quan hệ của họ với Triều Tiên”.

“Dường như có một sự thiếu sự minh bạch về lượng dầu mà Trung Quốc bán cho Triều Tiên. Triều Tiên rất ý thức rằng Trung Quốc có thể kéo phích cắm cho họ bất cứ lúc nào họ muốn”, ông Babson nói.

Trung Quốc đã thường xuyên bị buộc tội vì đã không thực hiện đầy đủ các nghị quyết trước của Liên hợp quốc, và trong những năm gần đây các quốc gia khác đã lánh xa thương mại với Triều Tiên, nhưng Trung Quốc lại thể hiện sự sẵn sàng bước vào để lấp khoảng trống này.

Trong khi Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc nhằm làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, thì cũng có những lo ngại rằng sự sụp đổ chế độ Bình Nhưỡng có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Thời báo Global Times cho biết trong một bài xã luận tuần trước rằng Bắc Kinh nên giữ thái độ trung lập nếu Bình Nhưỡng tấn công Mỹ trước, nhưng ngăn cản Mỹ và Hàn Quốc lật đổ ông Kim Jong-un.

Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, nói: “Trung Quốc đang để lại một con đường sống cho Triều Tiên”.

Trung Quốc cho biết nhập khẩu từ Triều Tiên giảm 13% xuống còn 888 triệu USD trong sáu tháng tính đến ngày 30/6/2017 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dữ liệu từ phòng hải quan của nó cũng cho thấy thặng dư thương mại vẫn còn, nhờ hàng xuất khẩu sang Triều Tiên của Trung Quốc ổn định.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Liên hợp quốc, Triều Tiên có thu nhập từ buôn bán vũ khí, điều hành khoảng 100 nhà hàng ở 12 quốc gia và tiền ngoại tệ gửi về nhà của khoảng 60.000 công dân làm việc tại hơn 50 quốc gia.

“Thực tế là Triều Tiên có thể vượt qua được những biện pháp trừng phạt nhất định mặc dù những biện pháp trừng phạt này thực sự gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của Triều Tiên”, ông Feron nói.

Theo Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG