Quan chức Mỹ xin lỗi vì chửi thề

Bà Victoria Nuland trong một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ở Kiev. Ảnh: Itar-Tass
Bà Victoria Nuland trong một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ở Kiev. Ảnh: Itar-Tass
TP - Sự thất vọng của chính quyền Barack Obama về chính sách do dự của Liên minh châu Âu (EU) trước các cuộc biểu tình ở Ukraine vừa bị phơi bày trong đoạn nói chuyện qua điện thoại giữa hai quan chức cấp cao của Mỹ, và một trong hai người đã chửi bậy EU.

Bộ Ngoại giao Mỹ không trực tiếp xác nhận đoạn ghi âm dài 4 phút 10 giây bị đưa lên YouTube ghi lại giọng của bà Victoria Nuland, quan chức cấp cao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu-Á, trong lúc nói chuyện với Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt.

Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng, bà Nuland, người bị cho là đã chửi bậy trong đoạn hội thoại, đã “liên lạc với những người đồng cấp châu Âu và tất nhiên đã xin lỗi về những bình luận bị đăng tải”. Khi bị ép trả lời liệu đoạn hội thoại có thật hay không, bà Psaki trả lời: “Tôi không nói nó không có thật”.

Bình luận trước sự việc này, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 7/2 nói rằng, sự sỉ nhục rõ ràng của một quan chức Mỹ đối với nỗ lực của EU trong việc hòa giải cuộc khủng hoảng ở Ukraine là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Mỹ cho rằng, chính Mátxcơva đã đăng tải đoạn ghi âm này.

Washington nói rằng, thông điệp được đăng tải rất sớm trên Twitter của ông Dmitry Loskutov, phụ tá của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, đã đề cập đoạn ghi âm này. “Tôi muốn nói rằng vì đoạn video được nhắc tới đầu tiên bởi chính phủ Nga, nên tôi nghĩ có điều gì đó liên quan đến vai trò của Nga”, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói.

Ông Rogozin sau đó viết trên Twitter rằng, ông chỉ phát hiện đoạn video này trên internet. Đổ lỗi cho Nga làm rò rỉ đoạn nói chuyện có lẽ đã được ghi lại bằng thiết bị bí mật khiến Mỹ phải xem lại tiêu chuẩn an ninh của các đoàn ngoại giao ở Kiev.

Đoạn hội thoại nói trên thể hiện sự thất vọng đối với quan điểm của EU trước các cuộc biểu tình ở Ukraine. EU đã không cùng Mỹ đe dọa áp lệnh trừng phạt nếu chính phủ Ukraine đàn áp biểu tình một cách bạo lực. Bà Nuland nói bà được biết Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon sắp bổ nhiệm cựu Đại sứ Hà Lan Robert Serry làm đại diện tại Kiev.

“Tôi nghĩ điều đó sẽ rất tốt để hàn gắn mọi việc và có chất keo dính của Liên Hợp Quốc”, bà Nuland nói và kèm theo câu chửi bậy EU, với ngụ ý rõ ràng chỉ những chính sách khác nhau của EU. “Chúng ta phải làm gì đó để kết dính mọi thứ, vì có thể biết khá chắc chắn rằng nếu không có bước tiến mới, Nga sẽ hành động sau hậu trường để phá hoại”, ông Pyatt đáp lại.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao Kremlin hôm 6/2 cáo buộc Mỹ trang bị cho “quân nổi dậy” Ukraine, đồng thời thúc giục chính phủ Ukraine dập tắt “nỗ lực đảo chính” và cảnh báo Nga có thể can thiệp để duy trì an ninh của nước láng giềng từng là thành viên của Liên Xô.

Ông Sergei Glazyev, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin và phụ trách quan hệ với Ukraine, nói với một tờ báo rằng, sự “can thiệp” của Mỹ vi phạm hiệp ước năm 1994, trong đó Washington và Mátxcơva tuyên bố cùng bảo đảm an ninh và chủ quyền của Ukraine, sau khi Kiev từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thời kỳ hậu Xô Viết.

Theo Theo The Guardian, CNN
MỚI - NÓNG