'Quan điểm của tôi về Việt Tân chỉ dựa vào điều đọc được trên Internet'

'Quan điểm của tôi về Việt Tân chỉ dựa vào điều đọc được trên Internet'
TP - Đại sứ Mỹ Michael Michalak đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí Việt Nam và quốc tế tại Hà Nội sáng 11/12 về các trường hợp 4 người Mỹ gốc Việt bị bắt giữ vừa qua vì bị cho rằng đã vi phạm pháp luật Việt Nam.
'Quan điểm của tôi về Việt Tân chỉ dựa vào điều đọc được trên Internet' ảnh 1

Đại sứ Mỹ Michael Michalak tại cuộc gặp gỡ báo chí hôm 11/12. Ảnh: Đ.P

Bốn công dân Hoa Kỳ bị bắt giữ nói trên gồm Trương Leon sinh 1953 thuộc tổ chức Việt Tân mà Bộ Công an Việt Nam đã có công hàm gửi phía Mỹ hồi tháng 4 vừa qua để thông báo Việt Tân là tổ chức khủng bố, đề nghị Mỹ phối hợp điều tra, ngăn chặn.

Trương Leon đã vào Việt Nam mạo danh một số Cty Việt Nam để phát tán tài liệu. Hành vi mạo danh Cty Việt Nam của Trương  Leon và đồng bọn đã bị coi là vi phạm pháp luật Việt Nam.

Nhân vật thứ hai là Ly Seng sinh 1954 (được phía Mỹ xác nhận chính là Nguyễn Quốc Quân) đã thay tên, đổi địa chỉ để nhập cảnh Việt Nam bằng một hộ chiếu giả. Hành vi này của Ly Seng bị các nhà chức trách xác định là đã vi phạm luật pháp Việt Nam.

Hai người còn lại là vợ chồng ông Lê Văn Phan sinh năm 1952 và bà Nguyễn Thị Thịnh (tức Le Helen) bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 23/11 vừa qua vì bị phát hiện trong hành lý ký gửi của ông bà này có mang một khẩu súng ngắn quân dụng hiệu Ruger và một hộp tiếp đạn đã nạp sẵn 13 viên.

Tại buổi gặp gỡ báo chí, Đại sứ Michael Michalak đã đọc một bài chuẩn bị sẵn, nói rằng phía Mỹ chưa nhận được thông báo chính thức về những lời buộc tội đối với các công dân Mỹ gốc Việt nói trên. Mặc dù vậy, ông đã bày  tỏ hài lòng vì các nhân viên lãnh sự của Mỹ đã có cơ hội để gặp cả 4 người bị bắt giữ nói trên.

Tiền phong đề nghị Đại sứ bình luận việc phía Việt Nam coi hành vi của Ly Seng sử dụng hộ chiếu giả mạo là vi phạm luật pháp Việt Nam, và một số người bị bắt giữ thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân mạo tên các công ty Việt Nam để phát tán tài liệu là vi phạm pháp luật.

Tiền phong cũng đề nghị Đại sứ Michalak so sánh với trường hợp giả sử nếu có chuyện tương tự như vậy xảy ra ở Mỹ, chẳng hạn, một thành viên của al Qaeda thâm nhập Hoa Kỳ bằng hộ chiếu giả mạo cũng như giả mạo tên người gửi trong bưu kiện.

Đại sứ Michael Michalak đáp: “Nói chung, chúng tôi nói với bất kỳ người du lịch nào đi tới bất cứ nơi đâu trên thế giới rằng họ phải chịu sự chi phối của luật pháp của nước mà họ đến. Dù đó là Việt Nam, Hoa Kỳ, Anh quốc hay bất cứ nơi nào khác. Nếu những công dân Mỹ nói trên vi phạm luật pháp Việt Nam, tôi muốn được biết họ đã bị buộc vào tội gì”. 

Trước câu hỏi của Tiền phong đề nghị bình luận sự khác biệt quan điểm khi phía Việt Nam cho  rằng Việt Tân đã có một lịch sử dài hoạt động bạo lực. Người đứng đầu Việt Tân trước đây là Hoàng Cơ Minh đã thực hiện nhiều bạo lực tại Việt Nam.

Phía Việt Nam có bằng chứng mạnh mẽ chứng tỏ nhóm Việt Tân là nhóm bạo lực, khủng bố. Trong khi đó, phía Mỹ chỉ đơn giản dựa vào một tuyên bố của nhóm Việt Tân tại Đức đăng tải trên Internet rằng họ chuyển sang thực hiện cách bày tỏ quan điểm chính trị phi bạo lực mà tin rằng Việt Tân là nhóm hòa bình, Đại sứ Michael Michalak thừa nhận: “Quan điểm của tôi về Việt Tân chỉ dựa vào điều tôi đọc được trên Internet... Chúng tôi chưa thấy bằng chứng nào cho thấy có hoạt động khủng bố đang diễn ra. Đó chính là cơ sở cho quan điểm của tôi”.

Các quan chức Việt Nam khẳng định khi tiếp xúc lãnh sự với 4 người Mỹ gốc Việt bị bắt nói trên, phía Mỹ đã được phía Việt Nam nói rõ lý do vì sao và hành vi phạm pháp nào dẫn đến việc những người này bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra theo luật pháp Việt Nam.

Với câu hỏi của Quân đội Nhân dân về việc nhóm Việt Tân xuất bản cả một cuốn sách tại Nhật Bản về các hoạt động của tổ chức này trong đó có cả những hình ảnh bạo lực, vũ khí nhằm lật đổ chính phủ Việt Nam, nội dung cuốn sách có thể truy cập được trên Internet, Đại sứ Michael Michalak cho biết ông chưa thấy cuốn sách đó của Việt Tân và bản thân ông chưa thấy bằng chứng nào về những trường hợp bạo lực nói trên.

Trước câu hỏi của TTXVN đề nghị bình luận về trường hợp giả sử rằng bin Laden nói từ bỏ vũ khí để thảo luận hòa bình với Mỹ về nhân quyền, Đại sứ Michael Michalak nói: “Tôi cho rằng ông ta sẽ bị xử về những hành động khủng bố của mình hồi năm 2001”.

TTXVN liền hỏi tiếp rằng thế thì trường hợp đối với nhóm khủng bố Việt Tân cũng sẽ như vậy chứ? Đại sứ Michael Michalak nói: “ Nếu có bằng chứng nào về việc họ (tức Việt Tân) đã tham gia các hoạt động khủng bố thì chúng ta có thể xét xử họ dưới những luật thích hợp”.

Về câu hỏi trách nhiệm của phía Mỹ đến đâu khi không ngăn chặn hành lý có chứa súng ngắn và đạn vẫn được làm thủ tục tại sân bay Los Angeles chuyển tới sân bay Tân Sơn Nhất, Đại sứ nói chuyến bay đó không bay thẳng từ Mỹ sang Việt Nam. Có thể tại sân bay nào đó đã có cơ hội cho người ta bỏ vũ khí vào hành lý của bà Nguyễn Thị Thịnh.

Tại cuộc họp báo, Đại sứ Michael Michalak từ chối trả lời câu hỏi của Tiền phong về việc cho đến nay phía Việt Nam đã cung cấp bằng chứng phạm tội nào về các công dân Mỹ gốc Việt nói trên cho phía Mỹ.

Đại sứ nói ông không muốn bình luận về những cuộc thảo luận với phía Việt Nam ở cấp ngoại giao. Tuy nhiên, Đại sứ Michael Michalak cho biết ông đã có 5, 10, 15 cuộc tiếp xúc với phía Việt Nam về các trường hợp công dân Mỹ gốc Việt bị giam giữ nói trên.

Ông khẳng định sẽ tiếp tục nhiều cuộc tiếp xúc nữa vì đó là nghề của ông. Đại sứ cho biết ông đã trao đổi với Việt Nam cả ở dạng công hàm lẫn gặp trực tiếp.

Ông không trả lời thẳng vào câu hỏi phía Việt Nam đã giải thích như thế nào về các trường hợp bị bắt giữ nói trên. Đại sứ chỉ đáp chung chung rằng “Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về tất cả mọi lời giải thích, về mọi điều kiện và về bất cứ vấn đề gì”.

Đại sứ Michalak cũng không trả lời câu hỏi về việc phía Mỹ có chấp nhận hay không sự giải thích của phía Việt Nam. Ông chỉ nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán. Nhưng tôi sẽ không đàm phán với người nào không cởi mở”.

MỚI - NÓNG