Quan điểm đối ngoại của TNS Joseph Biden

Quan điểm đối ngoại của TNS Joseph Biden
Mạng tin của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ ngày 25/8 đã điểm lại lập trường về một số vấn đề đối ngoại của Thượng nghị sỹ Joseph Biden, người vừa được chọn đứng chung liên danh với TNS Barack Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.
Quan điểm đối ngoại của TNS Joseph Biden ảnh 1
Thượng nghị sĩ bang Delaware Joseph Biden (Ảnh USA Today)

Về chính sách quốc phòng, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ nhấn mạnh vai trò ngày càng hạn chế của quân đội đối với chính sách đối ngoại có thể làm giảm sự lựa chọn của Mỹ. Ông ủng hộ hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược Mỹ-Nga, quy định hai nước giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống còn khoảng 1.700-2.200 vào năm 2012.

Ông Biden từng tỏ ý không mấy tin tưởng vào cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Theo ông, các quốc gia đang sử dụng khủng bố để đạt được các mục tiêu rất khác nhau, vì thế "nếu không xác định rõ kẻ thù, thì chúng ta khó có thể giành chiến thắng".

Đối với chính sách thương mại, ông Biden nhìn chung ủng hộ tự do thương mại, song phản đối các hiệp định mở cửa thị trường khu vực gần đây của chính quyền Georges W.Bush. Ông coi an ninh năng lượng là "ưu tiên hàng đầu" và gọi cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là "vấn đề có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhất".

Đối với Trung Quốc, ông Biden ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Mỹ can dự với Bắc Kinh, trong khi coi mối quan hệ với Ấn Độ là "mối quan hệ riêng lẻ quan trọng nhất" của Mỹ. Ông ủng hộ cấm vận kinh tế chống Cu-ba và kêu gọi thực hiện "chiến lược dân chủ hóa" ở nước này.

Nhiều năm qua, ông đã kêu gọi đóng cửa trại giam Guantanamo do nhà tù này đã trở thành "một trong những công cụ tuyên truyền tốt nhất cho lực lượng khủng bố tuyển mộ những phần tử cực đoan trên toàn thế giới".

Ông Biden cho rằng Mỹ cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ với I-xra-en vì "tình hình Trung Đông chỉ tiến triển khi các nước A-rập hiểu rằng không có khoảng cách nào giữa Mỹ và I-xra-en". Ông bác bỏ đánh giá của Nhóm Nghiên cứu Iraq cho rằng cuộc xung đột I-xra-en/Pa-le-xtin có liên quan tới những khó khăn của Mỹ ở Iraq.

Mặc dù ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq, nhưng sau đó ông Biden lại là một trong những người phản đối cuộc chiến này mạnh mẽ nhất tại Thượng viện Mỹ. Ông tán thành việc duy trì một lực lượng nhỏ quân Mỹ ở Baghdad, nhưng phản đối kịch liệt việc xây dựng các căn cứ quân sự lâu dài của Mỹ ở Iraq. Ông cũng phản bác kế hoạch tăng quân Mỹ ở Iraq của Tổng thống Bush.

Ông Biden ủng hộ chính sách ngoại giao cứng rắn và can dự trực tiếp với Iran trong khuôn khổ các cuộc thảo luận của 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an và Đức với Iran, và tiến tới thảo luận trực tiếp với Iran như Mỹ đã làm với CHDCND Triều Tiên.

Ông cho rằng trong khi áp đặt các biện pháp trừng phạt có phối hợp của quốc tế chống lại I-ran, Mỹ cần thúc đẩy quan hệ với Iran nếu Tê-hê-ran có bước đi tích cực.

Đối với chính sách của Mỹ ở châu Phi, ông Biden ủng hộ việc điều khoảng 2.500 quân tới Darfur để kiềm chế bạo lực ở khu vực này, và kêu gọi các đồng minh NATO tăng cường cung cấp trang thiết bị cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Darfur.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG