Quân đội Thái Lan ra “tối hậu thư”

Quân đội Thái Lan ra “tối hậu thư”
TP - Ngày 26/11, căng thẳng trên chính trường Thái Lan lên tới đỉnh điểm đã khiến quân đội nước này phải ra tối hậu thư đề nghị giải tán Quốc hội, tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
Quân đội Thái Lan ra “tối hậu thư” ảnh 1
Tướng Anupong (trái) và Thủ tướng Somchai

Tướng Anupong Paochinda, Tổng tư lệnh các lực lượng quân đội Thái Lan, tiết lộ Ủy ban Giám sát tình hình của quân đội đã đề nghị Chính phủ cho giải tán Quốc hội và tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn nhằm chấm dứt căng thẳng đang leo thang.

Tướng Anupong đã có cuộc họp khẩn cấp với quan chức cấp cao Chính phủ, các học giả, nhà kinh tế và quan chức an ninh chiều 26/11. Người đứng đầu lực lượng quân đội một lần nữa bác bỏ khả năng để xảy ra đảo chính, nhưng nói rằng Chính phủ nên để cho công chúng có cơ hội quyết định trong cuộc bầu cử sớm.

Mặt khác, Tướng Anupong cũng yêu cầu phe đối lập Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) chấm dứt ngay các cuộc biểu tình kéo dài trong những tháng qua khiến nhiều hoạt động của chính quyền bị tê liệt. Quân đội còn yêu cầu người biểu tình rời khỏi một số vị trí mà họ đang chiếm đóng ở Bangkok, trong đó có sân bay quốc tế Suvarnabhumi.

Lãnh đạo PAD Suriyasai Katasila từ chối yêu cầu của quân đội và khẳng định người biểu tình sẽ tiếp tục ở lại sân bay quốc tế cho tới khi có sự bàn bạc chính thức trong nội bộ PAD. Trong khi đó, một lãnh đạo chủ chốt khác của PAD, ông Sondhi Limthongkul tuyên bố phe đối lập chỉ đàm phán với Chính phủ và ngừng biểu tình sau khi Thủ tướng Somchai từ chức.

Chỉ huy quân đội Thái Lan mong muốn Chính phủ sẽ hành động trước và sau đó phe đối lập nên thể hiện thiện chí. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Chính phủ Nattawut Saikuar phát biểu trên truyền hình địa phương:

“Thủ tướng đã nói nhiều lần rằng ông sẽ không từ chức, không giải tán Quốc hội vì ông được bầu lên một cách dân chủ”.

Báo chí địa phương đưa tin máy bay của Thủ tướng Somchai Wongsawat đã hạ cánh xuống sân bay quân sự ở Bangkok chiều 26/11 sau khi tham dự hội nghị APEC, nhưng sau đó lại bay tiếp tới thành phố miền Bắc Chiang Mai, nơi hầu hết người dân ủng hộ Chính  phủ đương nhiệm.

Trả lời báo chí trước khi lên máy bay tới Chiang Mai, Thủ tướng Somchai đã từ chối bình luận về đề nghị của quân đội trong việc giải tán Quốc hội, bầu cử trước thời hạn. “Tôi không biết. Trước hết, hãy để tôi xem xét một cách chi tiết. Tôi chưa đưa ra quyết định”, Thủ tướng Somchai nói. 

Tuy nhiên tối 26/11, phát biểu trên truyền hình Thủ tướng Somchai đã khẳng định sẽ không từ chức.

Chính trường tiếp tục bất ổn?

Việc cả hai bên chưa tuân theo giải pháp của quân đội sẽ đặt chính trường Thái Lan vào tình thế khó lường. Quân đội tuyên bố sẽ có biện pháp thích hợp, thậm chí không tuân theo luật pháp để buộc các bên phải chấp nhận giải pháp trên, nhưng cụ thể chưa được tiết lộ.

Với vai trò nổi bật ở Thái Lan, quân đội đã can thiệp để “tháo ngòi nổ” vào đúng ngày phe đối lập tuyên bố lật đổ Chính phủ (26/11) với hai lựa chọn: Đảo chính hoặc yêu cầu bầu cử sớm.

Đảo chính quân sự ngày 19/9/2006 lật đổ ông Thaksin Shinawatra không mang lại sự bình yên cho Thái Lan nên giải pháp giải tán Quốc hội, kêu gọi bầu cử sớm đã được giới phân tích chính trị nước này dự báo.

Tướng Anupong liên tục bác bỏ khả năng quân đội thực hiện đảo chính vì cho rằng đây không phải là giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Tuy nhiên, khi Chính phủ và PAD bác bỏ giải pháp trên, không ai có thể đảm bảo quân đội sẽ không thực hiện cuộc đảo chính để lập lại trật tự.

Giới phân tích cho rằng, trong cả hai trường hợp (đảo chính hoặc bầu cử sớm), chính trường Thái Lan trong tương lai gần vẫn tiếp tục bất ổn. Với các cuộc biểu tình liên miên làm đảo lộn cuộc sống thường nhật ở Bangkok trong nhiều tháng qua, PAD được đánh giá đang tự đánh mất hình ảnh của mình.

Vì thế, cơ hội để phe đối lập PAD giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn càng ít hơn so với cuộc bầu cử thời kỳ hậu đảo chính. Trong khi đó, đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) ủng hộ ông Thaksin vẫn có được sự ủng hộ của đông đảo dân nghèo Thái Lan, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.

Nếu PPP lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm và đứng ra thành lập Chính phủ mới hoặc một nhân vật là thành viên PPP lên giữ ghế Thủ tướng thay ông Somchai, PAD nhiều khả năng tiếp tục phát động biểu tình chống đối.

Làn sóng biểu tình do PAD phát động thậm chí còn quyết liệt hơn nếu cựu Thủ tướng Thaksin thực sự trở lại chính trường như ông tuyên bố gần đây. Trong trường hợp PAD lên nắm quyền qua bầu cử sớm hoặc đảo chính, lực lượng ủng hộ ông Thaksin hẳn cũng không dễ dàng chấp nhận.

Nổ bom, xung đột

Quân đội Thái Lan ra “tối hậu thư” ảnh 2
Người biểu tình từ chối rút khỏi các vị trí chiếm giữ

Căn nguyên của những bất ổn chính trường

Giáo sư chính trị nổi tiếng thuộc Đại học Chiang Mai, ông Tanet Charoenmuang, cho rằng căn nguyên của những bất ổn và việc xảy ra hàng loạt cuộc đảo chính trong lịch sử Thái Lan một phần do một số quy định “lỏng lẻo” và thậm chí “lạc hậu” trong Hiến pháp.

Theo đó, hệ thống chính trị của Thái Lan vẫn tồn tại quá nhiều đảng phái chính trị, lãnh đạo chưa được bầu trực tiếp và từ lâu dường như đã hình thành thông lệ: Nhiều đảng muốn giành quyền lực thông qua biểu tình chống đối để châm ngòi cho đảo chính.

Theo giáo sư Tanet, trong tương lai gần, Thái Lan chỉ có thể có được nền chính trị xã hội ổn định khi Chính phủ thực sự mạnh để lấn át được phe đối lập, Thủ tướng được trao nhiều quyền lực hơn, giảm bớt quyền lực của quân đội...

Giáo sư Tanet cũng nhận định rằng trong những năm tới quân đội Thái Lan vẫn được trao nhiều quyền lực, đóng vai trò nổi bật nên tiếp tục can thiệp vào chính trường mỗi khi khủng hoảng trở nên tồi tệ.

Như nhiều cuộc khủng hoảng trước đây, quân đội một lần nữa can thiệp khi căng thẳng lên tới đỉnh điểm, xảy ra đụng độ. Tờ The Nation cho biết có 4 vụ nổ bom và lựu đạn làm rung chuyển thủ đô Bangkok sáng 26/11 khiến ít nhất 12 người bị thương.

Ba vụ nổ xảy ra bên ngoài khu vực hành khách ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi lúc 4 giờ 30 khiến 4 người biểu tình bị thương. Vụ nổ thứ tư xảy ra lúc 6 giờ 35 tại sân bay cũ Don Mueang khiến gần 10 người biểu tình bị thương.

Trong khi đó, đụng độ giữa người biểu tình do PAD phát động với lực lượng ủng hộ Chính phủ bắt đầu diễn ra tại địa điểm ở Bangkok khiến nhiều người bị thương.

Sau khi thành công trong việc ngăn chặn Quốc hội nhóm họp, buộc Chính phủ phải liên tục “ẩn mình” bằng những cuộc biểu tình quy mô lớn, lực lượng ủng hộ PAD tiếp tục đẩy Thái Lan lún sâu hơn vào khủng hoảng bằng việc làm tê liệt sân bay quốc tế Suvarnabhumi.

Tới chiều 26/11 vẫn còn hơn 4.000 du khách bị kẹt lại khi mọi chuyến bay ra vào sân bay Suvarnabhumi bị hủy bỏ. Một số hành khách được đưa tới nghỉ tạm tại các khách sạn xung quanh sân bay.

Chính phủ nhiều nước đã khuyến cáo công dân không nên đến Bangkok vào thời điểm này trong khi cơ quan du lịch Thái Lan đã có lời xin lỗi chính thức.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.