Quan hệ đặc biệt Việt - Lào: Đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả hơn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng tượng trưng công trình trường phổ thông trung học cho tỉnh Bolykhămxay. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng tượng trưng công trình trường phổ thông trung học cho tỉnh Bolykhămxay. Ảnh: TTXVN.
TP - Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Lào đã thành công rất tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, cho biết.

Ông Hoàng Bình Quân cho biết, việc chọn Lào là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta trong nhiệm kỳ Đại hội XII là thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước ta và nhân dân ta đối với quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Chuyến thăm là dịp để hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước trao đổi, thống nhất về các định hướng, chủ trương, biện pháp lớn về hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong cả nhiệm kỳ, nhằm đưa quan hệ đặc biệt Việt - Lào ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.

Chuyến thăm đã thành công rất tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Thứ nhất, hai bên thống nhất nhận thức và khẳng định mối quan hệ đoàn kết gắn bó đặc biệt Việt Nam - Lào là tài sản vô giá, là quy luật sống còn, là nhân tố không thể thiếu đối với thắng lợi của hai Đảng, hai nước, nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập, tự do trước đây cũng như công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thứ hai, hai bên đã bàn, trao đổi về phương hướng tăng cường, thúc đẩy, tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực trong nhiệm kỳ mới; trong đó, nhấn mạnh đến hợp tác kinh tế, đặc biệt là kết nối kinh tế, bao gồm cả kết nối về thể chế chính sách, về hạ tầng giao thông, về năng lượng và về du lịch.

Thứ ba, hai bên nhất trí đẩy mạnh phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường các cơ chế trao đổi lý luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo và quản lý đất nước... Để cụ thể hóa các định hướng hợp tác giữa hai nước, trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký kết 7 văn kiện hợp tác.

 Tạo động lực hợp tác

“Những định hướng, chủ trương, và biện pháp lớn mà hai bên đã nhất trí đề ra trong chuyến thăm lần này sẽ mở đường và tạo động lực cho hợp tác giữa hai Đảng, hai nước, nhân dân hai nước đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả hơn, triển vọng thu được nhiều kết quả mới trong thời gian tới”, ông Hoàng Bình Quân nói.

Nhìn tổng thể, hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Quan hệ chính trị sẽ được tăng cường ngày càng chặt chẽ, các cơ chế hợp tác sẽ được mở rộng và nâng cao hiệu quả. Hợp tác kinh tế sẽ có chuyển biến mới quan trọng. Việc hai bên nhất trí và quyết tâm giải tỏa các vướng mắc, tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy kết nối cả về thể chế lẫn hạ tầng, giao thông, năng lượng chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác, giao thương, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Về lĩnh vực xây dựng Đảng, hai bên đã có một số cơ chế hợp tác, trao đổi. Với những định hướng mà hai Tổng Bí thư đã đề ra, chắc chắn hợp tác trên lĩnh vực này sẽ được mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là giữa các ban Đảng, cơ quan của Đảng của hai nước. Ngoài ra, sự thống nhất nhận thức trên các vấn đề quốc tế và khu vực sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề đối ngoại và quốc tế, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương, đóng góp tích cực cho việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Sáng 26/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thủ đô Vientiane, đi thăm tỉnh Bolykhămxay. Tổng Bí thư đã trao tượng trưng công trình trường trung học phổ thông tặng tỉnh này. Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường về nước.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.