Quan hệ Mỹ - Iran có dấu hiệu “tan băng”?

Quan hệ Mỹ - Iran có dấu hiệu “tan băng”?
TPO - Những động thái tích cực gần đây giữa Mỹ và Iran đã khiến nhiều người hi vọng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ có một sự khởi đầu mới đầy hứa hẹn: kết thúc 3 thập niên thù địch và chung tay giải quyết những vấn đề quốc tế.
Quan hệ Mỹ - Iran có dấu hiệu “tan băng”? ảnh 1
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại cuộc họp báo bên lề hội nghị cấp cao bàn về vấn đề Afghanistan hôm 31/3 - Ảnh AP

Tuy nhiên, liệu quan hệ Mỹ - Iran sẽ thực sự tan băng? – là câu hỏi chưa thể có lời giải đáp ngay.

30 năm thù địch 

Quan hệ Mỹ - Iran bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ năm 1979, khi các sinh viên Iran chiếm Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt 63 người Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Hành động này đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị giữa hai nước. Về phía chính phủ Mỹ, họ quyết định không những cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran mà còn áp đặt lệnh cấm vận lên quốc gia Hồi giáo này.

Trong những năm 80, lực lượng Mỹ liên tục tham gia vào các hoạt động đối đầu với Iran, trong đó có cả những lần tấn công các giàn khoan dầu trên Vùng Vịnh.

Bước sang thập niên 90, sau khi nhậm chức Tổng thống, Bill Clinton đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu lửa đối với Iran, với lý do là nước này tiếp tay cho bọn khủng bố, theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân và có thái độ bất hợp tác với tiến trình hòa bình Trung Đông. Đáp lại, Iran phản đối gay gắt những cáo buộc trên của Mỹ, coi đó là “sự vu khống”.

Quan hệ ngoại giao hai nước trở nên tồi tệ hơn trong những năm đầu của thế kỉ 21 với việc cựu Tổng thống Bush xếp Iran vào “trục ma quỷ” và cáo buộc nước này âm mưu chế tạo bom nguyên tử.

Iran vẫn tiếp tục triển khai chương trình làm giàu uranium mà theo nước này, là phục vụ mục đích hòa bình, bất chấp mọi lệnh trừng phạt. Và câu hỏi, liệu Iran đã có đủ lượng uranium cần thiết để sản xuất bom nguyên tử vẫn là một ẩn số mà Mỹ đang muốn được khám phá.

“Một khởi đầu mới”

Cùng với việc ông Obama lên nắm quyền ở Nhà Trắng, Mỹ đã trở thành bên chủ động “làm lành” với Iran. 

Nhân dịp năm mới của người Iran, Tổng thống Obama xuất hiện trong một đoạn băng video và đề xuất “một khỏi đầu mới” với quốc gia này. Ông nói: “Nước Mỹ muốn nhà nước cộng hòa Hồi giáo Iran có một vị trí đúng đắn trong cộng đồng các quốc gia”. Đây là lần đầu tiên trong suốt 30 năm qua, một Tổng thống Mỹ ngỏ lời chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai nước.

Đáp lại, Iran đang mong đợi từ phía chính phủ Mỹ những hành động cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn. Giới lãnh đạo Iran đã đưa ra một số “gợi ý” như trả lại cho nước này những tài sản bị phong tỏa, gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và dừng hậu thuẫn cho Isarael.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad phát biểu trước báo giới: “Những hiềm khích trong quá khứ có thể gác sang một bên, nhưng Mỹ cũng phải thừa nhận những sai lầm của họ và cần có những hành động khắc phục”.

Nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khmenie cũng tuyên bố: “Nếu các người (Mỹ) thay đổi, chúng ta cũng sẽ thay đổi”.

Như vậy, Iran không hề bác bỏ đề xuất của Mỹ, mà chỉ cho rằng Mỹ cần có những bước đi cụ thể hơn nữa để xoa dịu tình hình căng thẳng.

Ngay từ đầu tháng 3, Mỹ đã mời Iran tới dự hội nghị cấp cao bàn về vấn đề Afghanistan và được Iran chấp nhận. Hội nghị diễn ra ở La Haye (Hà Lan) vào ngày 31/3 với sự tham gia của hơn 70 quốc gia, trong đó có cả Iran, để cùng thảo luận về công cuộc tái thiết Afghanistan.

Ngoại trưởng Hillary Clinton nói: “Việc Iran chấp nhận lời mời cho thấy họ ý thức được vai trò của đất nước mình trong tiến trình. Chúng tôi hi vọng Iran sẽ đóng vai trò tích cực tại Afghanistan và Pakistan”.

Về phía Iran, họ cũng cam kết sẽ góp sức chống lại khủng bố và buôn lậu thuốc phiện ở Afghanistan.

Trong bối cảnh bất ổn định kéo dài ở Afghanistan, ông Obama nhấn mạnh tới việc sẽ thành lập một “ban liên lạc”, trong đó có Iran, để cùng chung vai sát cánh giải quyết vấn đề.

Bên lề Hội nghị quốc tế tổ chức tại Hà Lan hôm 31/3 vừa qua, nhà ngoại giao cao cấp Mỹ Richard Holbrooke cũng đã có cuộc tiếp xúc riêng cởi mở với Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Mehdi Akhundzadeh.

Với những diễn biến ngoại giao tích cực kể trên, có thể hi vọng mối quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ được tái thiết lập trong một tương lai gần.

Thu Thảo
Theo Press TV, AP

MỚI - NÓNG