Quan hệ Việt-Mỹ: Lợi ích song trùng ngày càng lớn

Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 25/5 (chuyên cơ của ông Obama). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 25/5 (chuyên cơ của ông Obama). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Việt-Mỹ cho thấy những lợi ích song trùng ngày càng lớn giữa hai nước trong việc thúc đẩy mối quan hệ này, nhất là khi những lợi ích đó giờ đây không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực truyền thống như kinh tế, văn hóa, giáo dục… mà còn mở rộng sang an ninh, quốc phòng.

TS Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, giảng viên tại Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH&NV TPHCM, nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong nhân dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 25/5.

Theo ông, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam có ý nghĩa như thế nào khi mà nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc?

Thời gian qua, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển vững chắc với nền tảng là sự tin cậy lẫn nhau ngày càng cao, thể hiện rõ nhất qua chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào tháng 7 năm ngoái, và nay là chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam. Quan hệ song phương đã được mở rộng, đi vào nhiều vấn đề thực chất, có ý nghĩa quan trọng với cả hai nước.

Sự phát triển mạnh mẽ đó trong quan hệ song phương cho thấy những lợi ích song trùng ngày càng lớn giữa hai nước trong việc thúc đẩy mối quan hệ này, nhất là khi những lợi ích đó giờ đây không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực truyền thống như kinh tế, văn hóa, giáo dục… mà con bao hàm cả những lợi ích quan trọng hơn như lợi ích chiến lược, an ninh - quốc phòng.

Mặc dù có ý kiến cho rằng, chuyến thăm của ông Obama chủ yếu mang tính biểu tượng khi ông sắp sửa rời Nhà Trắng, nhưng thực tế không hẳn vậy. Giờ đây, sự phát triển quan hệ song phương không phụ thuộc vào chính sách của bất cứ cá nhân lãnh đạo nào, mà phụ thuộc vào nhận thức lợi ích của hai nước, hai chính phủ về sự phát triển mối quan hệ này. 

Chính vì vậy, tôi tin rằng, chuyến thăm vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nó củng cố thêm xu hướng thắt chặt quan hệ song phương, qua đó càng làm cho các chính quyền sau này của Mỹ, cho dù là của đảng nào, cũng khó có thể đảo ngược.

 Đó không hẳn là một di sản lớn của Tổng thống Obama nếu so với những gì ông đã làm với Cuba hay Iran chẳng hạn, nhưng chắc chắn lịch sử quan hệ Việt - Mỹ sẽ vẫn ghi đậm tên ông bởi vì quan hệ song phương thực sự đã có những bước tiến mạnh mẽ trong 8 năm ông làm chủ Nhà Trắng.

Quan hệ Việt-Mỹ: Lợi ích song trùng ngày càng lớn ảnh 1

TS Lê Hồng Hiệp.

Báo chí trong và ngoài nước gần đây rộ tin trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, Mỹ sẽ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Nếu đúng như vậy, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của quyết định này?

Nếu tuyên bố này được đưa ra, đó sẽ là một bằng chứng khác nữa cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương. Đồng thời, như các nhà ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, sự kiện đó sẽ đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt - Mỹ hơn 20 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là liệu hai bên sẽ có thêm những hoạt động hợp tác gì sau tuyên bố này hay không, hay đó chỉ là một cử chỉ mang tính biểu tượng. 

Lý do là sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vào cuối năm 2014 thì các quan chức Mỹ cho rằng, hai nước đã có thể tiến hành được phần lớn những gì mà họ có thể làm với nhau liên quan lĩnh vực chuyển giao vũ khí và trang thiết bị quốc phòng, nhưng từ đó cho đến nay, hai bên chưa làm được gì nhiều. 

Vì vậy, sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ hoàn toàn, liệu hai bên có thể có những hoạt động hợp tác cụ thể hay không vẫn là một điều chúng ta phải chờ xem. Tuy nhiên, ý nghĩa biểu tượng của động thái này là không thể bác bỏ.

Trong bối cảnh tình hình biển Đông ngày càng phức tạp như hiện nay, nếu lãnh đạo Việt Nam và Mỹ trong dịp này ký kết thỏa thuận hay đưa ra tuyên bố nào đó về việc thắt chặt hợp tác an ninh - quốc phòng hoặc lên án những hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông thì Trung Quốc có thêm hành động khiêu khích ở khu vực tranh chấp để phản ứng hay không, theo ông?

Một “bí mật” mở ai cũng biết đó là sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ hiện nay là một phần trong các vận động địa chiến lược trên khắp khu vực xoay quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc và những hệ lụy an ninh của nó, như các diễn biến trên biển Đông. Vì vậy, sẽ không có gì bất ngờ nếu sự tăng cường quan hệ Việt - Mỹ gây nên sự khó chịu từ Bắc Kinh. 

Tuy nhiên, chúng ta cần phải rõ ràng và rành mạch trong tư duy chiến lược lẫn hành động, rằng Việt Nam tôn trọng và mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng không thể theo đuổi mục đích đó bằng mọi giá nếu đối tác không quan tâm tới các lợi ích chính đáng của Việt Nam, hay làm phương hại tới nguyên tắc cốt lõi của Việt Nam như bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Trung Quốc cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và quan tâm tới lợi ích chính đáng của Việt Nam. Nếu Trung Quốc cho rằng, quan hệ sứt mẻ với Việt Nam là cái giá có thể chấp nhận được để họ đạt được những mục tiêu chiến lược lớn hơn, thì đó hoàn toàn là lựa chọn của Trung Quốc, và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó của mình.

Cảm ơn ông.

Tổng thống Obama đặt chân tới Việt Nam

Đêm 22/5, chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Barack Obama hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ngoài Air Force One và chuyên cơ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, có khoảng 800 người tháp tùng ông Obama đến Việt Nam (đi trên các chuyên cơ khác). 

Chuyến thăm chính thức của ông chủ Nhà Trắng diễn ra theo lời mời của các lãnh đạo Việt Nam bắt đầu từ sáng nay (23/5). Phía Mỹ thông báo, hôm nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama hội đàm, sau đó chủ trì họp báo chung. Cùng ngày, Tổng thống Obama sẽ có các cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ thành viên một số hội, nhóm, tổ chức, sau đó có bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ (tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia). Trưa 24/5, ông Obama tới TPHCM, thăm chùa Phước Hải (còn gọi là chùa Ngọc Hoàng) ở quận 1, tham dự một sự kiện về thương mại, gặp gỡ một số doanh nhân Việt Nam, đề cập vấn đề TPP. 

Ngày 25/5, dự kiến, Tổng thống Mỹ gặp gỡ các thành viên Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (tại Trung tâm hội nghị Gem Center ở quận 1). Cùng ngày, ông Obama rời Việt Nam sang Nhật Bản, tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.

* TS Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao: Có thể đạt  thỏa thuận ý nghĩa

Quan hệ Việt-Mỹ: Lợi ích song trùng ngày càng lớn ảnh 2
Tôi kỳ vọng chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam sẽ tạo ra đà quan hệ, tạo ra một nền tảng quan hệ vững chắc cho nhiệm kỳ tới. Theo tôi, chuyến thăm sẽ bao gồm ba nội dung cụ thể. Thứ nhất, hai bên tiếp tục xây dựng niềm tin chính trị, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Thứ hai, hai bên có thể đạt được thỏa thuận nào đó về an ninh - quốc phòng, ví dụ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương, thậm chí có thể đi xa hơn nữa. Thứ ba, Mỹ tiếp tục dành những nguồn lực ngày càng tăng để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề tẩy độc dioxin, xử lý bom mìn, tìm kiếm hài cốt quân nhân... Nói ngắn gọn, chuyến thăm sẽ giúp duy trì đà phát triển quan hệ Việt - Mỹ đang rất tốt hiện nay, và tạo tiền đề cho nhiệm kỳ tới của chính quyền Mỹ sau khi Mỹ có tổng thống mới.

Tôi cho rằng, hai nước vừa nâng cấp quan hệ năm 2013, bây giờ cần bắt tay làm tốt những công việc thỏa thuận trước đã. Vẫn còn nhiều việc phải làm, quan trọng nhất là hai bên thoải mái, phải làm được điều gì “ra tấm ra món”, tạo được lòng tin thì mới tiếp tục nâng cấp quan hệ.

* TS Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế: Quan hệ Việt - Mỹ có giá trị riêng

Quan hệ Việt-Mỹ: Lợi ích song trùng ngày càng lớn ảnh 3
Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận về tầm nhìn nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ tháng 7/2015, nay hai nước phải cụ thể hóa tầm nhìn đó để phát triển quan hệ toàn diện, cụ thể hóa quan hệ song phương, quan hệ đa phương, vấn đề biển Đông, an ninh hàng hải, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giúp Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh. Tôi cho rằng, ông ấy có thể có những cử chỉ tượng trưng để giải quyết vấn đề hội chứng chiến tranh ở Mỹ và Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào giai đoạn vững chắc hơn.

Sau chuyến thăm này, quan hệ hai nước sẽ phát triển rất tốt. Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách châu Á của Mỹ. Bản thân quan hệ song phương Việt - Mỹ cũng có những giá trị riêng, không phải chỉ ở khía cạnh an ninh - quốc phòng, mà còn ở lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục...

Tuy nhiên, về đầu tư, bản thân một chuyến đi của Tổng thống Mỹ không thúc đẩy được nhiều, vì điều này phụ thuộc vào lựa chọn của các tập đoàn, vào sự dịch chuyển cơ cấu toàn cầu, vấn đề thị trường Việt Nam, liên kết của Việt Nam với Cộng đồng Kinh tế ASEAN và TPP. Giữa Việt Nam và Mỹ còn một số rào cản thương mại, đầu tư cần dỡ bỏ.

* GS Carlyle Thayer - Học viện Quốc phòng Úc: Đẩy mạnh giải quyết 2 vấn đề là di sản của quá khứ

Quan hệ Việt-Mỹ: Lợi ích song trùng ngày càng lớn ảnh 4
Tổng thống Obama đã làm nên lịch sử khi bình thường hóa quan hệ với Cuba. Quan hệ Mỹ-Việt tiến xa hơn rất nhiều quan hệ Mỹ-Cuba, nhưng còn tồn tại hai vấn đề là di sản của quá khứ. Đó là chất độc da cam/dioxin, bom mìn chưa nổ và lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Tổng thống Obama sẽ đề cập giải quyết hai vấn đề này với tầm nhìn tạo ra cơ hội để hợp tác trong 
tương lai.

Tôi nghĩ, ông Obama sẽ tuyên bố điều gì đó tích cực về lệnh cấm bán vũ khí. Lệnh cấm được áp tự động vào giữa thập niên 80 đối với bất kỳ nước nào bị Mỹ cấm vận. Mỹ dỡ bỏ cấm vận đã lâu. Dù việc dỡ bỏ cấm vận liên quan tới vấn đề quyền con người, nhưng rõ ràng là Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển trong nhiều lĩnh vực.

Trúc Quỳnh - Thái An

MỚI - NÓNG