Hội nghị Cấp cao ASEAN:

Quan ngại diễn biến phức tạp trên biển Đông

Trong khuôn khổ ASEAN 27 và các hội nghị liên quan, ngày 21/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 3. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Trong khuôn khổ ASEAN 27 và các hội nghị liên quan, ngày 21/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 3. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.
TP - Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra ngày 21/11 ở Malaysia, các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, sau Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 (ASEAN 27), lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể ASEAN 27. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và ba Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột với chủ đề “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, định hướng, tạo cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong 10 năm tới.

Các lãnh đạo ASEAN nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Tổng thể về Kết nối và Sáng kiến Liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển để hỗ trợ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng. Các lãnh đạo cũng nhất trí cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong lúc đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, nâng cao hiệu quả của các tiến trình hiện có, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác cũng như trong việc định hình cấu trúc khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, thời gian tới, ASEAN cần phát huy xung lực mới cũng như các giá trị và phương cách ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN.

Xây đảo nhân tạo gây xói mòn lòng tin

Các vấn đề biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Các nhà lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, nhất trí cần phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề này.

Ngay sau phiên họp toàn thể ASEAN 27 diễn ra Lễ ký kết Công ước ASEAN về chống buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chiều qua, các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN+3 và ASEAN-Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, việc bồi đắp, tôn tạo, xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa, xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực; thể hiện uy tín, vai trò trung tâm của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực tế đòi hỏi ASEAN tiếp tục đoàn kết, thống nhất và thực hiện một số công việc. Đó là kịp thời lên tiếng bày tỏ quan ngại chung về những diễn biến phức tạp, hành động đơn phương ở biển Đông. Đồng thời thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột thông qua các cơ chế của ASEAN. “Theo hướng đó, Việt Nam chúng tôi đề nghị ASEAN chúng ta cùng với Trung Quốc cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở biển Đông”, Thủ tướng phát biểu. Ngoài ra, tăng cường trao đổi và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, trước mắt tập trung cụ thể hóa Điều 5; trao đổi thực chất, sớm thông qua COC. 

Tổng thống Mỹ kêu gọi không quân sự hóa

Ngày 21/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi không quân sự hóa ở biển Đông và ngừng mọi hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại các khu vực tranh chấp, Reuters đưa tin. Bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, Trung Quốc đang biến nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm cả sân bay trên đó.

Chuyên gia trong và ngoài nước: 

Trung Quốc vẫn sẽ lấn lướt

Một số chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và củng cố sự hiện diện của họ; các hoạt động của Bắc Kinh tại khu vực tạo ra một xu thế địa kinh tế hướng tâm vào Trung Quốc, đồng thời dẫn tới sự ly tâm về địa chiến lược trong lòng ASEAN.

TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Kinh tế

Các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực tạo ra một xu thế địa kinh tế hướng tâm vào Trung Quốc, đồng thời tạo ra sự ly tâm về địa chiến lược trong lòng ASEAN. Điều này là một áp lực rất lớn đối với Việt Nam. Nằm ở khu vực trung tâm của 3 cuộc cạnh tranh chiến lược lớn của thế kỷ 21: chiến lược tái cân bằng của Mỹ, chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, “Một vành đai - Một con đường” của Trung Quốc, ASEAN đang đứng trước tình thế lựa chọn phức tạp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Đối với Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược tại ASEAN trở thành một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong nhiệm kỳ lãnh đạo mới. Với việc kinh tế Trung Quốc và ASEAN đã có sự gắn kết và gia tăng mạnh từ sau khi Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc được ký kết, Trung Quốc chỉ cần gia tăng được ảnh hưởng chính trị tại khu vực để cạnh tranh với Nhật Bản và Mỹ.

GS Carlyle Thayer - Học viện Quốc phòng Úc

Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ không thể làm gì để ngăn Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo. Các nước này chỉ có thể phản đối và thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, nhưng không đem lại hiệu quả gì. Các siêu cường bối rối bởi sự thiếu đoàn kết trong ASEAN. Trung Quốc tính toán rằng, họ có thể thoát khỏi áp lực ngoại giao của Mỹ và sự tự do tuần tra hàng hải vì những hoạt động này không thực sự tác động đến việc chiếm đóng của Trung Quốc. Trung Quốc biết rằng, Mỹ sẽ không sử dụng tới lệnh trừng phạt hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên biển Đông vì Mỹ có các mối quan tâm quan trọng hơn như thương mại với Trung Quốc và hợp tác Mỹ-Trung về các vấn đề toàn cầu. Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và củng cố sự hiện diện của họ. Các tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc giờ đây sẽ hoạt động từ các đảo nhân tạo và tiến xa hơn về phía nam trên biển Đông. Trung Quốc mong rằng, theo thời gian, sự hiện diện của họ trên các đảo nhân tạo sẽ trở thành “điều bình thường mới”. Trung Quốc sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác để vượt qua các quan ngại của khu vực. Trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ hành động có độ kiềm chế, nhưng khi thời điểm chín muồi, Trung Quốc sẽ hành động quyết đoán hơn.

TS Trần Đình Lâm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á

Sự thành công của ASEAN phải được dựa trên cơ sở giá trị con người, và nguồn nhân lực được đào tạo. Nơi đó, pháp luật từng quốc gia và của cộng đồng ASEAN được tôn trọng, người dân được thực thi quyền dân chủ, xã hội công bằng, đời sống kinh tế ngày một nâng cao và văn hóa của mỗi quốc gia được gìn giữ. Sự thành công này của cộng đồng ASEAN sẽ tạo nên một mô hình kiểu mẫu cho sự phát triển, khơi dậy niềm tin cho người dân các quốc gia khác, đem đến những thay đổi để cùng nhau chung sống trong  hòa bình, tránh phát triển theo con đường vũ lực dẫn đến những cuộc chiến tranh.

Bình Giang-Thái An (thực hiện)

MỚI - NÓNG