Bình luận Quốc tế

Quan và khoa học

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin
TP - Ngày 28/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên sa thải bốn vị đang làm quan nhưng thích danh hiệu viện sỹ. Lý do là họ không chịu rút khỏi Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) sau khi ông Putin cảnh cáo họ tại một cuộc họp truyền hình trực tiếp cuối tuần trước đó. Tại sao nguyên thủ của cường quốc 150 triệu dân lại tức giận với chuyện nhỏ?

Điểm yếu chết người của kinh tế Nga là vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên, dựa vào dầu mỏ. Mặc dù vừa được cải thiện hai bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh của Nga năm 2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho điểm vẫn ở vị trí 43, mức rất xa so với các cường quốc khác trong thế giới đa cực.

Đầu tư và giải phóng hơn nữa cho khoa học là cách không thể không nghĩ đến. Muốn vậy, phải vượt trở ngại lớn nhất là giảm tối đa can thiệp chính trị. Trước mắt, chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng biến khoa học thành lĩnh vực đánh bóng tên tuổi cho các nhà chính trị. RAS với 650 viện trực thuộc và 55.000 nhà nghiên cứu hiện nay, trái tim của tài nguyên tri thức Nga, được coi là hòn đá thử lửa cho quyết tâm ấy.

Thực hiện sứ mệnh đó ở RAS không dễ. Tổ hợp trí tuệ này, tính đến tháng 11/2016 có tới 944 viện sỹ chính thức và 1.159 viện sỹ thông tấn, từng bị kìm hãm một thời gian dài, khiến nền khoa học và kéo theo là kinh tế của Liên Xô ngày càng tụt hậu.

Năm 1724, thời kỳ Nga còn là một công xã nông thôn khổng lồ, RAS được thành lập. Chỉ hơn trăm năm sau, năm 1861, RAS với cơ chế tự do sáng tạo đã góp phần đưa Nga vào hàng ngũ các nước tư bản. Thời kỳ này, Nhật với chính sách khai phóng khoa học của Minh Trị Thiên Hoàng cũng nhanh chóng trỗi dậy. Tuy nhiên, từ năm 1928, tự do nghiên cứu ở RAS chấm dứt, nhiều nhà khoa học lừng danh bị sa thải hoặc thanh trừng.

Thời hậu Liên Xô, RAS được “trả lại tên cho em”. Một “cú sốc” – từ của nhóm các nhà khoa học nổi tiếng thế giới trong một thỉnh nguyện thư gửi Chính phủ Nga - lại xảy ra khi RAS 289 tuổi bị giải thể bởi một tuyên bố ngày 28/6/2013 và thay vào đó bằng một tổ chức mới vẫn lấy tên cũ RAS nhưng nội dung khác. Có ý kiến cho rằng quy định mới ấy đã khiến nhiều kẻ cơ hội lọt vào RAS. Việc trảm bốn “viện sỹ” liệu có phải là tín hiệu cho thấy đã đến lúc cần trả lại RAS về cho RAS không, cần để xứ sở bạch dương trỗi dậy bằng tài nguyên trí tuệ của chính mình không?

MỚI - NÓNG