Quốc hội Mỹ phê chuẩn dự luật mở rộng ''quyền nghe trộm'' của tình báo

Quốc hội Mỹ phê chuẩn dự luật mở rộng ''quyền nghe trộm'' của tình báo
Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn dự luật được Nhà Trắng ủng hộ nhằm mở rộng thẩm quyền của tình báo Mỹ trong việc nghe trộm điện thoại và xem lén thư điện tử của các phần tử tình nghi khủng bố.
Quốc hội Mỹ phê chuẩn dự luật mở rộng ''quyền nghe trộm'' của tình báo ảnh 1

Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật trên với tỷ lệ phiếu 227/183, một ngày sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật. Theo đó, các cơ quan tình báo Mỹ sẽ được phép nghe lén các cuộc nói chuyện qua điện thoại và xem trộm thư điện tử của những đối tượng người nước ngoài bị tình nghi khủng bố mà không cần tòa án cho phép.

Các cuộc điện thoại này được thực hiện chủ yếu bên ngoài lãnh thổ Mỹ, nhưng thông qua các Cty truyền thông đặt trụ sở tại Mỹ. Để theo dõi một nghi can là công dân Mỹ, Chính phủ phải nhận được giấy phép của tòa án đặc biệt theo khuôn khổ Luật Theo dõi tình báo nước ngoài (FISA).

Đây được coi là một thắng lợi của Tổng thống George W. Bush bởi kế hoạch ''do thám'' này từng bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ. Chính phủ Mỹ cho rằng đây là biện pháp cần thiết để tăng cường khả năng của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) trong hoạt động chặn thu thông tin qua điện thoại, thư điện tử và các phương tiện truyền thông khác liên quan đến người nước ngoài, với lý do để ''bảo vệ nước Mỹ''.

Tuy nhiên, các nhóm hoạt động vì quyền tự do dân sự và nhiều nghị sĩ Dân chủ cho rằng dự luật này đi quá xa, có nguy cơ cho phép các cơ quan tình báo nghe trộm các cuộc gọi điện thoại của công dân Mỹ với đối tác nước ngoài mà không bị tòa án hay Quốc hội giám sát.

Dự luật này đã được chuyển cho Tổng thống Bush ký ban hành, sẽ có hiệu lực trong sáu tháng và sau đó phải được Quốc hội phê chuẩn lại.

MỚI - NÓNG