Quyền mặc cả

Quyền mặc cả
TP - Có lẽ ít ai không cảm thấy ngạc nhiên khi hôm thứ Tư tuần rồi, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khoe nước này đã đạt được những thành tựu hạt nhân mới nhất, trong khi nguy cơ một cuộc chiến tranh giữa quốc gia Hồi giáo này với Mỹ và đồng minh đang cận kề.

> Mỹ - Iran: Khó có khả năng xảy ra chiến tranh

Khả năng dễ thấy là tuyên bố về hạt nhân nói trên hoàn toàn có thể khiến căng thẳng giữa đôi bên leo thang lên tầm cao mới, tạo cớ cho Mỹ và đồng minh sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với Iran.

Chưa kể, động thái này có thể khiến vòng đàm phán giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), dự kiến diễn ra vào thứ Ba này, trở nên vô duyên.

Nó cũng dập tắt khả năng tái khởi động các vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran với G5+1 (5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).

Cho dù ông Ahmadinejad có “lưu ý” rằng Iran sẵn sàng chia sẻ thông tin về chương trình hạt nhân của nước này với các thành viên của IAEA, phương Tây chắc chắn không thể để yên với những tuyên bố như vậy, nhất là trong lúc này.

Còn nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, chính IAEA ra một báo cáo nói rằng Iran từng thực thi các hoạt động “có tổ chức và có hệ thống” và các hoạt động này “rất giống với việc sản xuất vũ khí hạt nhân”, ít nhất là cho đến cuối năm 2003.

Đang oằn mình chịu đựng những khó khăn bắt nguồn từ các lệnh cấm vận của phương Tây, Iran “ngỏ ý” muốn khởi động lại các vòng đàm phán với G5+1, vốn bế tắc hơn một năm qua.

Hôm 10-2, ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi nói các cuộc đàm phán có thể được nối lại trong tương lai gần và rằng Iran đang cố gắng làm sáng tỏ một số vấn đề mà 6 nước đối thoại còn chưa rõ.

Các quan chức Iran cũng tái khẳng định hôm thứ hai tuần trước rằng Tehran đồng ý nối lại đàm phán với các bên liên quan, hợp tác với IAEA và mở các vòng thương lượng mới “trên tinh thần xây dựng” về chương trình hạt nhân.

Rồi hôm thứ tư, chính quyền Iran nói người đứng đầu đoàn đàm phán nước này, Saeed Jalili, đã phản hồi bức thư của người phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton về đề nghị nối lại đàm phán gửi hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong thư, ông Jalili nói Iran chào đón sự nối lại các vòng thương lượng và “thành công của các vòng đàm phán phụ thuộc vào thái độ tích cực của G5+1 đối với các sáng kiến của Iran”.

Có thể thấy, chiến thuật của Iran trong việc tuyên bố thành tựu hạt nhân và việc gửi thông điệp đàm phán đến đại diện EU cùng lúc là nhằm gia tăng quyền mặc cả của Tehran trong các vòng đàm phán kế tiếp, nếu chúng được tổ chức.

Và cũng tỏ ý rằng Tehran sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán là tự nguyện chứ không phải vì sức ép của phương Tây.

“Đạt được nhiều thành tựu hạt nhân” đồng nghĩa với tuyên bố: “Iran giờ đây hoàn toàn có quyền mặc cả”. Nhưng những “thành tựu” này có đủ uy lực khiến Israel hay Mỹ và các nước phương Tây khác chùn tay hay không thì chưa rõ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG