Quyết đoạn tuyệt quá khứ, Ukraine trước tương lai bất định

Quyết đoạn tuyệt quá khứ, Ukraine trước tương lai bất định
TPO - Theo đạo luật mới, Ukraine cấm và hình sự hóa việc sử dụng các biểu tượng thời Xô Viết, cấm tuyên truyền và sử dụng các biểu tượng này nơi công cộng như cờ, hình ảnh, hình vẽ trên huy hiệu có hình búa, liềm và ngôi sao 5 cánh…

Một loạt đạo luật liên quan tới sự kết nối trong quá khứ giữa Ukraine và Liên bang Xô viết vừa được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký ban hành, đúng vào thời điểm Nga kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Động thái của Kiev được cho là đoạn tuyệt với quá khứ mà Ukraine từng là một chủ thể trong Liên bang Xô viết.

Ukraine quyết đoạn tuyệt với quá khứ?

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 16/5 đã ký ban hành một loạt đạo luật mới, mà theo giới phân tích quốc tế: chính quyền Kiev quyết tâm xóa bỏ một giai đoạn lịch sử quan trọng mà Ukraine từng là một chủ thể trong Liên bang Xô viết.

Theo đó, Ukraine cấm và hình sự hóa việc sử dụng các biểu tượng thời Xô Viết, cấm tuyên truyền và sử dụng các biểu tượng này nơi công cộng như cờ, hình ảnh, hình vẽ trên huy hiệu có hình búa, liềm và ngôi sao 5 cánh…

Chính phủ Ukraine sẽ đổi tên một loạt thành phố được đặt theo tên các nhà lãnh đạo thời Xô Viết trước đây. Tổng cộng 25 thành phố có thể bị thu hồi tên gắn liền với quá trình lịch sử. Theo ước tính của các nhà khoa học chính trị, đạo luật mới sẽ ảnh hưởng tới ít nhất là 2 triệu người ở khắp 250 thành phố, thị trấn, làng mạc của Ukraine.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng ký đạo luật bãi bỏ hiệu lực của Sắc luật “Về lưu danh muôn thủa Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại những năm 1941-1945”, từ bỏ thuật ngữ “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” và thay nó bằng Chiến tranh thế giới thứ 2. Đồng thời, đạo luật này sẽ gọi ngày 9 tháng 5 là “Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II”.

Trước đó một ngày, chính quyền Kiev cũng đưa ra dự trù chi phí xây dựng dự án “Bức tường” (Stena) trên biên giới với Nga. Theo tính toán của các chuyên gia nước này, công trình xây dựng “Bức tường” trên biên giới với Nga sẽ khiến Ukraine tốn phí chừng 4 tỷ grivna (gần 200 triệu USD).

Trong tài liệu dự toán nói rõ, chiều dài của bức tường ngăn là gần 2.000 km, và thời gian xây dựng sẽ mất ít nhất 3 năm. Theo kế hoạch, khoảng 1/4 kinh phí xây dựng được chi ngay trong năm nay.

Bức tường ngăn biên giới Nga - Ukraine sẽ được gia cố gồm cả hào chống tăng, chiều rộng 4 mét và chiều sâu 2 mét. Ngoài ra, dọc theo công trình còn trang bị hệ thống tín hiệu báo động và các phương tiện theo dõi, cùng với các tháp quan sát 17 mét và các đồn lũy dành cho lính biên phòng dọc dải tường thành.

Trong thời điểm mà nước Nga và nhiều quốc gia khác trong Liên bang Xô viết đang tiến hành hàng loạt các hoạt động nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng, tưởng nhớ sự hy sinh của hàng triệu binh sĩ và người dân Xô viết trong cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, thì những động thái bất thường của Kiev không khỏi khiến những người có lương tri trên thế giới cảm thấy bất an.

Ukraine trước nguy cơ “thù trong giặc ngoài”

Ngay sau khi các đạo luật được Tổng thống Poroshenko thông qua, giới phân tích chính trị thế giới nhận định, động thái của chính quyền Kiev một lần lữa củng cố quyết tâm “không dính líu” tới Nga, đồng thời dựng lên viễn cảnh sự chia rẽ ở nước này càng thêm nặng nề.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Ukraine, ông Petro Symonenko cho rằng, các đạo luật đã “vi phạm nặng quyền hiến pháp của công dân, mở đường cho những cuộc đàn áp không chỉ với đảng viên cộng sản, mà còn với các tổ chức đối lập tại Ukraine”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga lên án các “đạo luật thảm hại” trên, cho rằng đó là một sự chối bỏ với quá khứ hào hùng của Liên Xô mà Ucraina từng là một thành viên.

Ông Peskov nhắc lại việc Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh cáo “có những âm mưu chối bỏ quá khứ Xô-viết”. Theo đó, Tổng thống V.Putin luôn ca ngợi lịch sử hào hùng của Liên Xô và muốn khôi phục các truyền thống, như hằng năm tổ chức Lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng phát-xít Đức (9/5), và hình ngôi sao 5 cánh vẫn hiện diện trên các tháp Điện Kremlin.

Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Josh Cohen cũng lưu ý Chính phủ Ukraine đã có “những bước đi nguy hiểm” và thậm chí có thể làm “quốc gia thêm chia rẽ” khi Tổng thống Petro Poroshenko ký ban hành luật công nhận thành viên các tổ chức chính trị và quân sự Ukraine trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 – như Tổ chức Những người dân tộc Ukraine (OUN) và Quân đội Nổi dậy Ukraine (UPA) – là “những chiến sỹ đấu tranh cho độc lập của Ukraine trong thế kỷ XX,” đồng thời cấm những chỉ trích nhằm vào họ.

Ngày 9/5 vừa qua, cả thế giới được theo dõi một trong những buổi lễ duyệt binh xúc động và hoành tráng nhất lịch sử đương đại trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow. Xuyên suốt của cuộc duyệt binh là tình cảm biết ơn của thế giới đối với những gì nhân dân Nga, cũng như nhân dân các nước Cộng hòa thuộc không gian Liên Xô trước đây đã phải gánh chịu.

Lương tâm của loài người không cho phép chúng ta lãng quên điều đó, như Tổng thống Nga Putin nói: “26 triệu người hy sinh là cái giá đủ để không cho phép bất kỳ ai viết lại lịch sử của cuộc chiến tranh tiêu diệt chủ nghĩa Phát xít”.

Trước đó, hồi tháng 1/2015, Tổng thống Putin cũng phản bác các âm mưu “viết lại” lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ 2 và che giấu các tội ác của chủ nghĩa Quốc xã. Khi đó, ông Putin coi các mưu toan này là điều không thể chấp nhận được và vô đạo đức. Ông nhấn mạnh: Những kẻ nào âm mưu làm như vậy thì thường là đang cố gắng đánh lạc hướng dư luận về sự thật đất nước của họ đã hợp tác với trùm phát xít Hitler.

Nguyên văn lời nguyên thủ Nga Putin phát biểu tại Trung tâm Bảo tàng và Khoan dung Do Thái ở Moscow: “Các nỗ lực trực tiếp nhằm làm câm lặng lịch sử, bóp méo và viết lại lịch sử là không thể chấp nhận được và vô đạo lý.

Đằng sau các âm mưu này chính là mong muốn che giấu nỗi hổ thẹn của chính họ, nỗi hổ thẹn của sự hèn nhát, đạo đức giả và sự phản bội, là ý đồ biện minh cho sự hợp tác trực tiếp hoặc gián tiếp với chủ nghĩa Quốc xã”.

“Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn súng đại bác vào bạn”

Trong tác phẩm “My Daghestan - Daghestan của tôi”, nhà thơ nổi tiếng người dân tộc Avác ở xứ Dagestan (Liên bang Nga), Rasul Gamzatov (1923-2003) viết: “Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn súng đại bác vào bạn”.

Cách nói hình ảnh, tác giả muốn gửi gắm cho chúng ta một bài học nhân sinh vô cùng ý nghĩa về thái độ, cách ứng xử ở đời: Quá khứ tuy đã qua, nhưng không có nghĩa nó là vô nghĩa. Nó có thể là một quá khứ đau thương, có thể là một quá khứ huy hoàng, và dù thế nào chăng nữa, mỗi cá nhân cần biết trân trọng, gìn giữ những câu chuyện “ngày xưa”của mình.

“Súng lục” chỉ sự tàn bạo, trấn áp, là hiện thân cho sự hủy diệt nhẹ nhàng, song “đại bác” còn mang tính hủy diệt công phá, tàn bạo hơn rất nhiều. Ngoảnh mặt và xúc phạm vào quá khứ, cũng chính là vấy bẩn tương lai của chính mình.

Dẫn lời của nhà thơ Rasul Gamzatov để thấy rằng, tương lai của đất nước Ukraine sau khi đoạn tuyệt với Liên bang Xô viết, sẽ không chỉ là màu hồng.

MỚI - NÓNG